• 8:00 - 17:00 từ Thứ 2 đến Thứ 6 & 8:00 - 12:00 sáng Thứ 7
  • 1900-6154


Đã có nghị định chung hướng dẫn thực hiện Luật Quản lý thuế

Ngày 19/10/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 (NĐ 126) có hiệu lực thi hành từ ngày 5/12/2002.

Ngày 19/10/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 (NĐ 126) có hiệu lực thi hành từ ngày 5/12/2002. Để hiểu rõ hơn về những nội dung được quy định tại nghị định, Tạp chí Thuế đã có cuộc trao đổi với ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế.
 
 
Là nghị định chung hướng dẫn chi tiết một số điều tại Luật Quản lý thuế số 38, phạm vi nội dung của NĐ 126 khá rộng. Vậy ông có thể cho biết, đâu là các điểm chính mà các cơ quan, tổ chức, cá nhân người nộp thuế cần lưu ý?
 
Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có 17 chương, 152 điều, trong đó có 28 điều, khoản, điểm giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Việc xây dựng NĐ 126 nhằm cụ thể hoá một số điều của Luật Quản lý thuế, ngoại trừ nội dung về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết, áp dụng hoá đơn, chứng từ, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hoá đơn và hải quan.
 
NĐ 126 gồm 9 chương, 44 điều quy định về các nội dung khai thuế, tính thuế; ấn định thuế; thời hạn nộp thuế, trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế; hoàn thuế, khoanh tiền thuế nợ, xoá nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt; trách nhiệm cung cấp thông tin, công khai thông tin người nộp thuế và trách nhiệm của ngân hàng thương mại; cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực thuế. Ngoài ra, nghị định còn có một số vấn đề khác được Chính phủ giao như uỷ nhiệm thu, mua thông tin dữ liệu phục vụ công tác quản lý thuế và cơ chế thoả thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế đối với DN có giao dịch liên kết. 
 
Một trong những nội dung của NĐ 126 được nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm là quy định về quản lý thuế đối với người nộp thuế trong thời hạn tạm ngừng hoạt động, hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn. Theo đó, người nộp thuế không phải nộp hồ sơ khai thuế, trừ trường hợp tạm ngừng hoạt động, kinh doanh không trọn tháng, quý, năm dương lịch, hoặc năm tài chính. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán sẽ được cơ quan thuế xác định lại nghĩa vụ thuế tương ứng với thời gian tạm ngừng hoạt động kinh doanh. Trong thời gian ngừng, nghỉ hoạt động, người nộp thuế không được sử dụng hóa đơn. Nếu kinh doanh trở lại đúng thời hạn đã đăng ký, thì không phải thông báo, nhưng hoạt động trở lại trước thời hạn thì phải thông báo với cơ quan quản lý nơi đã đăng ký tạm ngừng hoạt động, kinh doanh, đồng thời thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về thuế.
 
Ngoài ra, về nội dung hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh, nghị định quy định các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh khi chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế đối với cá nhân, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế là DN đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế; người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài; người Việt Nam định cư ở nước ngoài; người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam. Đồng thời, quy định trình tự, thủ tục trong việc phối hợp tạm hoãn xuất cảnh giữa cơ quan thuế và cơ quan xuất nhập cảnh. 
 
Trong nội dung về cung cấp thông tin, nghị định quy định chi tiết ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp các thông tin về tài khoản của người nộp thuế cho Tổng cục Thuế bằng phương thức điện tử, đặc biệt là liên quan đến khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế cho nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú, nhưng có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, trên nền tảng số tại Việt Nam. Bên cạnh đó, một số nội dung khác cũng nhận được nhiều sự quan tâm như trường hợp đặc biệt được gia hạn nộp thuế; thoả thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) đối với DN có giao dịch liên kết…
 
Được biết, khoanh tiền thuế nợ, xoá nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với một số đối tượng là nội dung mới được bổ sung tại Luật Quản lý thuế số 38. Những quy định này được hướng dẫn cụ thể như thế nào trong NĐ 126, thưa ông?
 
Luật Quản lý thuế số 38 đã sửa đổi, bổ sung các trường hợp được khoanh tiền thuế nợ, xoá nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt. Để rõ ràng, minh bạch trong việc khoanh nợ, NĐ 126 đã quy định cụ thể về thành phần hồ sơ, thời gian, trình tự thủ tục đối với từng trường hợp cụ thể. Đồng thời, khi xem xét khoanh nợ, thủ trưởng cơ quan thuế phải ban hành quyết định khoanh tiền thuế nợ đối với các trường hợp đủ điều kiện. 
 
Ngoài ra, để đảm bảo xóa nợ đúng đối tượng, nghị định còn quy định cơ chế phối hợp giữa cơ quan thuế và cơ quan đăng ký kinh doanh, chính quyền địa phương trong xoá nợ, hoàn trả cho Nhà nước khoản nợ đã được xóa trước khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chứng nhận đăng ký DN. Theo đó, việc trao đổi thông tin về DN giữa cơ quan thuế và đăng ký kinh doanh được thực hiện bằng hình thức văn bản; trường hợp đủ điều kiện, thì trao đổi thông tin bằng phương thức điện tử. Về trình tự trao đổi thông tin, sau khi cơ quan thuế cung cấp các thông tin về người nộp thuế đã được xóa nợ, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ phản hồi thông tin về đề nghị đăng ký thành lập DN, hộ kinh doanh... của người đã được xóa nợ và nhận được thông tin về việc hoàn thành nghĩa vụ thuế của người nộp thuế đã được xóa nợ từ cơ quan thuế. Lưu ý là, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ không cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chứng nhận đăng ký DN cho các trường hợp đã được xóa nợ, nhưng chưa hoàn trả tiền thuế vào NSNN. Ngoài ra, đối với các trường hợp được xóa nợ do ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa, dịch bệnh có phạm vi rộng, để đảm bảo chính sách phù hợp với từng thời kỳ, NĐ 126 giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ quy định về thủ tục, hồ sơ xóa nợ đối với nội dung này.
 
Với 9 chương, 44 điều, có thể thấy NĐ 126 đã hướng dẫn cụ thể, chi tiết Luật Quản lý thuế số 38. Ông có lưu ý gì khi nghị định có hiệu lực thi hành? 
 
NĐ 126 được xây dựng với mục tiêu đảm bảo tính thống nhất của các văn bản quy định pháp luật, dựa trên nguyên tắc đơn giản, minh bạch, phù hợp với thực tiễn và vận dụng tối đa ứng dụng công nghệ thông tin. Nghị định có hiệu lực từ ngày 5/12/2020. Tuy nhiên, đối với các khoản thuế được khoanh, xoá sẽ có một số thời hạn khác so với hiệu lực chung. Cụ thể, đối với các khoản thuế được miễn, giảm, hoãn, xóa phát sinh trước ngày 1/7/2020 sẽ được tiếp tục xử lý theo quy định của Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 21/2012/QH13, Luật số 71/2014/QH13 và Luật số 106/2016/QH13 cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành. Đối với các khoản tiền thuế nợ đến hết ngày 30/6/2020, thì xử lý theo quy định của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và NĐ 126. Các trường hợp được Chính phủ cho phép gia hạn thời gian nộp thuế, thì tiếp tục thực hiện theo quy định. Ngoài ra, Bộ Tài chính hướng dẫn các trường hợp thuộc diện kê khai thuế theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 4 Điều 11 NĐ 126 đảm bảo cho năm đầu tiên của thời kỳ ổn định ngân sách tiếp theo, kể từ khi Luật Quản lý thuế số 38 và các văn bản hướng dẫn thi hành có hiệu lực. Với những nội dung hướng dẫn thi hành cụ thể, chi tiết, NĐ 126 sẽ góp phần đưa Luật Quản lý thuế đi vào cuộc sống. 
Xin cảm ơn ông!