(ảnh minh hoạ)
Theo đó, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết: Dưới tác động của tình hình Covid-19, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và tình hình lao động, việc làm bị ảnh hưởng khá nặng nề. Nếu như hằng năm có khoảng 600 - 700 ngàn người đăng ký hưởng chế độ BHXH một lần, thì năm nay, chỉ tính riêng 06 tháng đầu năm đã có 391 ngàn người đăng ký hưởng chế độ, với số tiền chi trả là 14.774 tỷ đồng (tăng 5% về số người, và tăng 18% về số tiền hưởng so với cùng kỳ năm 2019). Đây là những ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid -19 đến tình hình việc làm, đời sống và tham gia chính sách của người lao động trên cả nước.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỷ lệ thất nghiệp trong Quý II/2020 trên cả nước là 2,51%, tỷ lệ thất nghiệp người lao động trong độ tuổi là 2,73%. Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp trên cả nước là 2,26%, cao hơn so với cùng kỳ năm trước là 1,99%; tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ước tính là 2,47%. Còn theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ước tính đến hết Quý II/2020, số người thất nghiệp tăng lên khoảng 1,5 triệu người, tăng thêm khoảng 200 ngàn người so với Quý I/2020.
Với vai trò là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, ngay sau khi dịch bệnh xảy ra, BHXH Việt Nam đã phối hợp các bên liên quan, trong đó các đơn vị có điều tra khảo sát được tất cả các doanh nghiệp. Theo đó, trong số 16 triệu đối tượng ngành đang phục vụ, tính đến ngày 24/6/2020 đã có 1.701.449 người trong diện các đơn vị, doanh nghiệp trực tiếp báo giảm và chốt sổ BHXH. Trong đó, lĩnh vực về sản xuất may mặc, da giầy là 594,4 ngàn người; lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thủy sản là 108,7 ngàn người; lĩnh vực về vận tải, hàng không đường bộ, đường thủy 56 ngàn người; lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, du lịch và 150 ngàn người; lĩnh vực văn hóa, thể thao là 69,6 ngàn người và các lĩnh vực khác là trên 700 ngàn người.
“Như vậy, tính đến 24/6, trong tổng số 16 triệu đối tượng tham gia BHXH Ngành đang phục vụ, đã giảm đi 1,7 triệu người - đây là con số tương đối lớn”, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh cho biết.
Thông tin về số đối tượng tham gia BHXH hiện nay, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh cho biết, theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 15,8 triệu người tham gia, trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc giảm 0,35% so với cùng kỳ năm 2019, tuy nhiên, nếu so với cuối năm 2019, giảm 604 ngàn người. Như vậy, hiện nay chưa đạt được số lượng người tham gia BHXH bắt buộc của năm 2019.
Về số người tham gia BHTN, hiện số người tham gia trên cả nước khoảng 13,4 triệu người, tăng 0,51% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng giảm khoảng 700 ngàn người so với năm 2019. Về số người tham gia BHYT, hiện nay có 85,5 triệu người, tăng 0,81% so với cùng kỳ năm 2019, song giảm 517.000 người so với cuối năm 2019.
Đồng chí Đào Việt Ánh thông tin, đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN 06 tháng đầu năm tăng không đáng kể so với cùng kỳ năm 2019, và giảm sâu so với cuối năm 2019, khoảng 600-700 ngàn người, tương đương khoảng 6%; trong đó ảnh hưởng nặng nhất và nhiều nhất là khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), và khối này được dự báo là sẽ còn tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh cũng cho biết thêm, trong 1,7 triệu người đã được các đơn vị, doanh nghiệp báo giảm 06 tháng đầu năm, đã có 1,1 triệu người chốt sổ, trong số này, sẽ có người tiếp tục tham gia tại các đơn vị khác, nhưng cũng có những người sẽ sử dụng số sổ đã chốt này để 1 năm sau nhận chế độ, điều này cho thấy số lượng người nhận BHXH một lần tăng gấp đôi so với hàng năm.
Về số người hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong 6 tháng đầu năm, số người đăng ký giải quyết chế độ hưởng mới là 430 ngàn người, đây cũng là mức tăng tương đối cao so với cùng kỳ so năm 2019, ước tăng khoảng 17% về số người (trong khi hằng năm chỉ tăng 5-6%) và tăng 26% về tiền. Trước những biến động trên, đồng chí Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, Ngành BHXH sẽ tiếp tục theo dõi biến động, để có sự tham mưu, đề xuất điều chỉnh chính sách kịp thời, đảm bảo tốt nhất quyền lợi người tham gia.
Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều công nhân, lao động bị mất việc làm, lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Lợi dụng tình hình này, một số đối tượng đã rao mua sổ BHXH của công nhân, người lao động gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi lâu dài của công nhân lao động. Trước tình hình này, Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố đã kịp thời chỉ đạo các cấp công đoàn tăng cường nắm bắt thông tin và tuyên truyền cho công nhân, người lao động không cầm cố, thế chấp, mua bán sổ bảo hiểm xã hội; hạn chế lĩnh BHXH một lần để có thể nhận lương hưu khi hết tuổi lao động. Đặc biệt, Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố cũng chỉ đạo các cấp công đoàn phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức chăm lo tại chỗ cho đoàn viên, công nhân viên chức lao động có hoàn cảnh khó khăn, không để trường hợp người lao động cầm cố, thế chấp và mua bán sổ BHXH./.
Nguồn: Tạp chí BHXH
Ngành BHXH tiếp tục theo dõi biến động, tham mưu, đề xuất điều chỉnh chính sách kịp thời, đảm bảo tốt nhất quyền lợi người tham gia