Sáng 13/10, Viện Nghiên cứu Lập pháp (Ủy ban TVQH) phối hợp với Quỹ Rosa-Luxemburg vùng Đông Nam Á tổ chức tọa đàm góp ý hoàn thiện Báo cáo chuyên đề "Một số vấn đề nổi bật ở Việt Nam 9 tháng năm 2020 và khuyến nghị chính sách".
Theo dự thảo Báo cáo chuyên đề "Một số vấn đề nổi bật ở Việt Nam 9 tháng năm 2020 và khuyến nghị chính sách", trong 9 tháng đầu năm 2020, Việt Nam đã thành công trong việc thực hiện mục tiêu kép, vừa quyết liệt chống dịch hiệu quả, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Nền kinh tế duy trì đà tăng trưởng dương trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái nghiêm trọng, kinh tế vĩ mô, nhiều chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2020 được dự báo đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Bên cạnh đó, giáo dục đạt được kết quả đáng ghi nhận, ứng dụng công nghệ số được quan tâm, đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ được thúc đẩy; qua đó nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh thích ứng nhanh với bối cảnh dịch bệnh. Đặc biệt, đã nâng cao năng lực kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đáng chú ý, đã tiếp tục thực hiện có hiệu quả CCHC và tư pháp, giúp nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trật tự an toàn xã hội được giữ vững, an ninh quốc phòng được bảo đảm, hoạt động đối ngoại mang lại nhiều dấu ấn, khẳng định vị thế của Việt Nam trong khu vực và thế giới...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong 9 tháng qua, Việt Nam cũng gặp nhiều thách thức như: Nền kinh tế còn bộc lộ những yếu điểm trước tác động mạnh mẽ, sâu sắc của đại dịch Covid-19 và bảo hộ thương mại. Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình tạo việc làm mới, gia tăng tỷ lệ thất nghiệp, đe dọa đến kết quả thực hiện an sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo. Việc triển khai thực hiện các gói hỗ trợ người dân và DN chưa đạt yêu cầu đề ra. Vấn đề biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường có xu hướng ngày càng phức tạp, gia tăng nhanh; cùng với nhiều vấn đề môi trường tích tụ trong thời gian dài chưa được xử lý, gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế-xã hội và sức khỏe người dân.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cho rằng, cần nhìn nhận suốt từ năm 1985 đến nay, năm 2020 là năm dự kiến có tăng trưởng thấp nhất, nhưng nền kinh tế nước ta rất “điềm tĩnh”, thậm chí còn là điểm sáng của kinh tế thế giới, tăng trưởng dương thay vì tăng trưởng âm như các nước. Việt Nam đã phản ứng tốt trước khủng hoảng, có sự chuẩn bị từ tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, chủ động trong phát triển kinh tế. Nước ta cũng là một trong những nước bị ảnh hưởng thấp nhất bởi đại dịch Covid-19, nên hạn chế tác động đến kinh tế-xã hội.
Đáng lưu ý, bất động sản và nền kinh tế vẫn vượt qua khó khăn, thách thức trong bối cảnh chịu tác động của đại dịch. Thời gian tới, khả năng phục hồi của nền kinh tế vẫn còn, chúng ta có thể lựa chọn phương án cơ bản và tích cực, chứ không phải lựa chọn theo hướng khó khăn...
Vì thế, về khuyến nghị chính sách, các đại biểu đồng tình với dự thảo Báo cáo; đồng thời nhấn mạnh cần phải nâng cao khả năng dự báo, nhận diện cơ hội và thách thức để xây dựng kịch bản phát triển kinh tế-xã hội phù hợp. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường. Đặc biệt, cần tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, nhất là trong bối cảnh diễn biến của đại dịch Covid-19 còn rất phức tạp như hiện nay.
Nguồn: Tạp chí BHXH
Một số vấn đề nổi bật ở Việt Nam và khuyến nghị chính sách