Hàng loạt DN trên địa bàn TP.HCM vin lý do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để cắt giảm khoản đóng BHXH của NLĐ lên tới hàng chục triệu đồng. Tình trạng này khiến NLĐ “than trời”, vì ảnh hưởng đến các quyền lợi liên quan…
Ngày 15/11, anh Nguyễn Mạnh Tùng- chuyên viên nhân sự VPĐD Công ty Furniture Group tại TP.HCM cho biết, anh vừa quyết định nghỉ việc tại DN này. Theo anh Tùng, nguyên nhân là do, từ đầu năm, Công ty Furniture Group đột ngột giảm mức đóng BHXH của anh từ 25 triệu đồng xuống chỉ còn 5 triệu đồng, với lý do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Mức đóng BHXH liên quan đến hàng loạt quyền lợi chế độ của NLĐ
Cnxg theo anh Tùng, ban đầu, đa số NLĐ đều chấp nhận, vì tác động tiêu cực của dịch bệnh khiến cả thế giới đều biết. Tuy nhiên, vài tháng qua, khi mọi hoạt động đã trở lại bình thường, nhất là VPĐD Furniture Group không bị ảnh hưởng, đơn hàng và hoạt động vẫn ổn định, song Công ty Furniture Group vẫn không đáp ứng yêu cầu của NLĐ về việc phải trả lương và đóng BHXH như mức cũ.
Tương tự, chị Hoàng Thị Quỳnh- nhân viên Công ty TNHH EU Design cũng vừa bị giảm mức đóng BHXH từ 20 triệu đồng xuống còn 4,5 triệu đồng. Do đang trong giai đoạn cần việc làm, nên chị Quỳnh cùng một số NLĐ khác đành miễn cưỡng chấp nhận.
Bà Phan Thị Mai- Trưởng phòng Quản lý Thu (BHXH TP.HCM) cho biết, có rất nhiều DN trên địa bàn lấy lý do ảnh hưởng của dịch Covid-19 để cắt giảm khoản đóng BHXH, BHYT của NLĐ xuống mức thấp “thê thảm”. Có DN trước đây đóng BHXH cho nhân sự chất lượng cao ở mức 20 triệu đồng, thì nay đột ngột hạ xuống chỉ còn 4,42 triệu đồng- đúng bằng mức thấp nhất theo lương tối thiểu vùng I. Thậm chí, có nhiều DN đồng loạt giảm khoản đóng BHXH của hàng chục NLĐ, khiến NLĐ gặp thiệt thòi.
Theo bà Mai, tình trạng cắt giảm khoản đóng BHXH xuất hiện nhiều ở các VPĐD của công ty nước ngoài, những NLĐ được trả lương cao. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến công tác thu BHXH, BHYT, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ, như: Mức hưởng trợ cấp thai sản thấp hơn, các chế độ TNLĐ, ốm đau hay mức hưởng lương hưu sau này cũng sẽ thấp đi…
Trong khi đó, cộng với tính trạng nhiều đơn vị còn cho NLĐ nghỉ việc không lương, nghỉ luân phiên tại các DN ở sân bay; DN xuất khẩu; DN ngành du lịch, khác sạn… đã khiến việc tham gia BHXH của NLĐ bị gián đoạn hoặc bị cắt giảm tỷ lệ đóng.
Theo Luật sư Nguyễn Giang Nam (Đoàn Luật sư TP.HCM), đối với khối DN ngoài nhà nước, tiền lương được xác lập trên cơ sở thỏa thuận giữa DN và NLĐ theo quy định của Bộ luật Lao động. Còn quy định về đóng BHXH phải tuân thủ theo Khoản 2, Điều 89 Luật BHXH 2014. Trong đó, mức đóng thấp nhất được căn cứ vào quy định về lương tối thiểu vùng. Hiện nay, lương tối thiểu vùng 1 theo Nghị định số 90/2019/NĐ-CP trên điạ bàn TP.HCM không thấp hơn 4,42 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh đó, tiền lương tháng đóng BHXH, BHYT mức tối đa được quy định tại Luật BHXH là không quá 20 lần mức lương cơ sở (từ ngày 1/7/2019, mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng). Như vậy, mức tiền lương tháng đóng BHXH, BHYT tối đa bằng 1.490.000 x 20 = 29.800.000 đồng/tháng.
“Ví dụ, DN đang đóng BHXH cho NLĐ ở mức tối đa là 29.800.000 đồng/tháng mà đột ngột giảm xuống mức tối thiểu 4,42 triệu đồng/tháng, thì quy định pháp luật không cấm. Nhưng, có phù hợp hay không thì phải căn cứ vào HĐLĐ. Nếu cả hai bên đều đồng thuận và chấp nhận ký kết lại HĐLĐ với mức lương làm căn cứ đóng BHXH theo mức thấp hơn ban đầu và phù hợp tình hình thực tiễn hoạt động thì được. Còn DN không thỏa thuận lại HĐLĐ với NLĐ mà tự ý cắt giảm là sai. Tuy nhiên, về phía NLĐ, để bảo vệ quyền lợi cho mình, họ cần phải tìm hiểu và biết lý do vì sao bị giảm đóng BHXH, giảm trong bao lâu, lý do DN đưa ra có phù hợp, chính đáng… để có cơ sở bảo vệ quyền lợi cho mình”- Luật sư Nguyễn Giang Nam khuyến cáo.
Cần có nguồn kinh phí Công đoàn để chăm lo cho đoàn viên và NLĐ
Hàng loạt DN trên địa bàn TP.HCM vin lý do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để cắt giảm khoản đóng BHXH của NLĐ lên tới hàng chục triệu đồng.