• 8:00 - 17:00 từ Thứ 2 đến Thứ 6 & 8:00 - 12:00 sáng Thứ 7
  • 1900-6154
0

Language



Triển khai diện rộng hóa đơn điện tử kinh nghiệm từ các nước trên thế giới


Với những ưu điểm vượt trội, hoá đơn điện tử (HĐĐT) ngày càng được sử dụng phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới. Theo xu hướng này, việc áp dụng HĐĐT tại Việt Nam dần được hoàn thiện, mang lại nhiều lợi ích cho người nộp thuế cũng như thuận tiện hơn cho công tác quản lý thuế.

Trong thời đại công nghệ số, HĐĐT dần trở thành xu hướng tất yếu tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển. Theo đó, Liên minh châu Âu (EU) xác định HĐĐT là nội dung quan trọng của kế hoạch hành động châu Âu điện tử. Năm 2014, EU đã ban hành quy định bắt buộc chính quyền hành chính ở tất cả 28 quốc gia thành viên phải sử dụng HĐĐT B2G (giữa DN và Chính phủ), chậm nhất là đến năm 2018. Ở Singapore, ngay từ năm 2003, quốc gia này đã triển khai HĐĐT. Hiện nay, DN ở Singapore có thể phát hành HĐĐT mà không cần sự chấp thuận trước của cơ quan thuế, tuy nhiên, DN phải tuân thủ hướng dẫn lưu giữ hồ sơ đăng ký. Ngoài ra, DN cũng có thể thuê bên thứ ba tạo HĐĐT và tín dụng điện tử. Ở Hàn Quốc, từ năm 2008, cơ quan thuế nước này đã thiết lập tổ công tác nghiên cứu triển khai HĐĐT. Đến năm 2011, tất cả các DN có tư cách pháp nhân bắt buộc phải sử dụng HĐĐT. Năm 2012 đánh dấu bước phát triển mới, khi Chính phủ Hàn Quốc quy định các cá nhân kinh doanh có doanh thu lớn (1.000.000 Won/năm) bắt buộc phải phát hành HĐĐT. Năm 2014, việc bắt buộc sử dụng HĐĐT áp dụng cho cả các cá nhân có doanh thu lớn hơn 300.000 Won/năm.

Trong khi đó, ở các quốc gia đang phát triển, HĐĐT được triển khai với các mức độ khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện của từng quốc gia. Mặc dù có nhiều khác biệt nhưng mục đích chính của việc sử dụng HĐĐT tại các quốc gia đều hướng đến tiêu chuẩn thuận tiện (convenience) và hiệu quả (sufficiency); trong đó nhấn mạnh yêu cầu thuận tiện cho người nộp thuế trong việc tuân thủ thuế và thuận tiện cho cơ quan thuế trong công tác quản lý thuế.

Cụ thể, tại Trung Quốc, cơ quan thuế nước này đã số hóa cả con dấu, chữ ký và hóa đơn thông qua công nghệ xác nhận danh tính, giúp đảm bảo sự chính xác về thông tin. Công nghệ này giúp cơ quan thuế có thể giám sát ngay lập tức thay vì hậu kiểm như trước đây. Nghiên cứu của Viện Chiến lược và chính sách tài chính nhận định, Trung Quốc hiện nay đã áp dụng HĐĐT cho tất cả các DN. Mỗi hóa đơn đều có mã QR, con dấu của cơ quan thuế và hệ thống ký hiệu. Thông qua đó, cơ quan chức năng có thể dễ dàng kiểm tra chu trình bán hàng của DN.

Ở khu vực Nam Mỹ, Mexico là quốc gia điển hình trong việc áp dụng rộng rãi HĐĐT. Năm 2010, Chính phủ Mexico triển khai mô hình xuất HĐĐT (Comprobante Fiscal Digital por Internet-CFDI), theo đó, các công ty có doanh thu lớn hơn 4.000.000 Peso phải áp dụng xuất HĐĐT. Năm 2014, Mexico quy định bắt buộc áp dụng CFDI với các công ty có doanh thu từ 250.000 Peso trở lên. Sự thành công của mô hình này được chứng thực qua số lượng HĐĐT được phát hành tăng liên tục theo thời gian, từ 1.7 tỷ hóa đơn năm 2011 lên 6.5 tỷ hóa đơn năm 2017. Tương tự, Aghentina, Chile, Peru và các quốc gia Nam Mỹ khác cũng đang triển khai sử dụng HĐĐT với các mức độ khác nhau.

Trong khu vực Đông Nam Á, từ năm 2014, Indonesia đã xây dựng cơ sở pháp lý cho HĐĐT để từ 1/7/2016, HĐĐT bắt buộc triển khai đối với toàn bộ các DN. Quy định này đã tránh được việc làm giả hóa đơn khi yêu cầu các DN phải cài đặt ứng dụng do cơ quan thuế cung cấp, sau đó DN sẽ nhận được “chứng chỉ điện tử”. Từ đó, HĐĐT giúp Indonesia giảm số hoàn thuế trong khi số thu thuế GTGT tăng lên. Tương tự, Thái Lan bước đầu triển khai HĐĐT từ năm 2012. Năm 2016, chính phủ nước này đã ban hành chiến lược phát triển quốc gia “Thailand 4.0” với hai mục tiêu chính yếu là phát triển nền kinh tế thành nền kinh tế kỹ thuật số và trở thành quốc gia phát triển vào năm 2032.

Cùng với xu hướng toàn cầu, tại Việt Nam, ngành thuế đã giới thiệu, triển khai HĐĐT từ năm 2010 với văn bản pháp luật đầu tiên là Nghị định 51/2010/NĐ-CP. Một cách khái quát, quá trình thí điểm và áp dụng HĐĐT tại Việt Nam có thể được tóm tắt theo sơ đồ dưới đây:

Theo đó, việc triển khai HĐĐT tại Việt Nam được thực hiện lộ trình và có sự chuẩn bị phù hợp trong thời gian dài. Năm 2018, 2019 đánh dấu bước ngoặt lớn trong việc triển khai rộng rãi HĐĐT với việc ban hành Nghị định 119/2018/NĐ-CP và Thông tư 68/2019/TT-BTC. So với các văn bản trước, Thông tư 68/2019/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định 119/2018/NĐ-CP đã quy định đầy đủ và phù hợp hơn về HĐĐT, tạo hành lang pháp lý để triển khai áp dụng HĐĐT trên diện rộng.

Số liệu thống kê cho thấy, số lượng DN sử dụng HĐĐT tăng dần qua các năm đã phản ánh những tiện ích của hình thức hóa đơn này so với hóa đơn truyền thống (hóa đơn giấy). Hơn thế, so với các hình thức hóa đơn truyền thống, chi phí DN bỏ ra để sử dụng HĐĐT chỉ bằng 1/10. Bên cạnh đó, khi sử dụng HĐĐT, DN sẽ giảm được đến 70% chi phí liên quan đến quy trình phát hành và 90% chi phí tranh chấp liên quan tới hóa đơn. DN không phải lo mất, hỏng hóa đơn bởi HĐĐT giảm thiểu tối đa quá trình vận chuyển và bảo quản. Ngoài ra, công tác thống kê, báo cáo cũng đơn giản hơn, giúp hạn chế và ngăn ngừa tình trạng giả mạo hóa đơn, bảo vệ uy tín và thương hiệu của DN.

Nguồn: TCT