Ngày 23/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị “Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp: Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp – hội nhập – hiệu quả - bền vững”.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cần có khát vọng mạnh mẽ để đưa nền kinh tế cất cánh, hướng tới thành công. Trong đó, doanh nghiệp là động lực quan trọng, tiên phong trong việc đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Việt Nam cần phải có đội ngũ doanh nghiệp hùng hậu, những cá nhân xuất sắc và thương hiệu lớn. Thủ tướng cũng đánh giá cao việc tổ chức sự kiện để Chính phủ, các cơ quan chức năng lắng nghe, tìm giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Đặc biệt, Thủ tướng cho biết, GDP năm nay sẽ tăng trên 7% và là mức tăng cao trong khu vực cũng như thế giới.
Thủ tướng nêu rõ, gần đây Việt Nam đã có một số doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực công nghệ cao, xây dựng và phát triển sản phẩm cũng như thương hiệu và giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một bộ phận doanh nghiệp cũng phải rút lui khỏi thị trường. Chính phủ, các bộ sẵn sàng lắng nghe, cam kết hỗ trợ doanh nghiệp với tinh thần đồng hành. Trong đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, giảm rui ro, nhất là những rủi ro về điều hành, chính sách hoặc vấn đề quản lý. Cần tập trung tháo gỡ nút thắt này. Thủ tướng nhấn mạnh cần tiếp tục rà soát, triệt để thực hiện cải cách, tránh chồng chéo về quy định cũng như cắt giảm điều kiện kinh doanh; nhất là không được thanh tra hơn một lần đối với doanh nghiệp. Cần chỉ rõ địa chỉ, cơ quan nào vòi vĩnh, làm mất thời cơ của doanh nghiệp để xử lý. Đó là tinh thần để bước vào năm 2020...
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thời gian qua, môi trường kinh doanh đã có sự chuyển biến, tinh thần khởi nghiệp và niềm tin vào kinh doanh cũng gia tăng. Số doanh nghiệp siêu nhỏ đã giảm trong khi tỷ trọng doanh nghiệp quy mô vừa và lớn tăng. Mỗi năm có thêm 126 nghìn doanh nghiệp trong giai đoạn 2016-2019. Riêng năm nay có 138 nghìn doanh nghiệp thành lập mới.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh các cơ quan chức năng, việc giải quyết nhu cầu của doanh nghiệp phải luôn trong đầu, trong “sổ tay” của các lãnh đạo. Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối, tổng hợp ý kiến báo cáo Chính phủ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Cần có chính sách cởi mở, “cởi trói” để doanh nghiệp bứt phá, đóng góp nhiều hơn vào phát triển kinh tế-xã hội và cái gì doanh nghiệp làm được thì tạo điều kiện cho làm...Cơ quan chức năng, các địa phương phải cải thiện môi trường kinh doanh, tập trung vào thuế, hải quan, cắt giảm điều kiện kinh doanh; rà soát, giảm bớt kiểm tra chuyên ngành, thu xếp mặt bằng sản xuất cho doanh nghiệp. Khuyến khích doanh nghiệp trong nước tăng cường hợp tác, liên kết với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng.Phải chấm dứt tình trạng nhân viên công quyền sử dụng “quyền lực mềm” hù dọa doanh nghiệp và cần loại bỏ những cán bộ tiêu cực, yếu kém làm mất thời gian của doanh nghiệp. Chính quyền địa phương cần nâng cao năng lực quản lý, tránh tâm lý phân biệt đối xử, “tham lớn, bỏ nhỏ”, bảo đảm sự minh bạch và nâng cao tinh thần đoàn kết, yêu nước cùng nhau “vươn ra biển lớn”. Bản thân doanh nghiệp cũng phải tự giác vươn lên, nâng cao sức cạnh tranh; nhất là ứng dụng công nghệ mới, phát huy tính sáng tạo cũng như tuân thủ pháp luật, thực hiện nghĩa vụ với xã hội. Cần có biện pháp bảo vệ uy tín, xây dựng hình ảnh, thương hiệu Việt Nam cũng như biết nói “không” với gian lận thương mại và phòng chống tham nhũng...
Nguồn: TCT Online
Chính phủ cam kết lắng nghe, đồng hành cùng doanh nghiệp Việt Nam