• 8:00 - 17:00 từ Thứ 2 đến Thứ 6 & 8:00 - 12:00 sáng Thứ 7
  • 1900-6154
0

Language



Nâng mức GTGC: Phải hài hoà lợi ích của người nộp thuế và Nhà nước

Thuế TNCN rất quan trọng trong nguồn thu ngân sách nhằm đảm bảo chính sách phân phối lại cho đầu tư phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh quốc phòng… Chính vì vậy, tính toán mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) thuế TNCN cũng phải xem xét tới sự hài hoà lợi ích của người người nộp thế và Nhà nước. Ông Trương Bá Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tai tài chính (Bộ Tài chính) đã có những phân tích xung quanh vấn đề này.

Theo ông đề xuất GTGC thuế TNCN của Bộ Tài chính có ý nghĩa như thế nào đối với khoảng 6,9 triệu người đang nộp thuế? Mức GTGC phải được hiểu thế nào cho đúng bản chất?

 

Theo số liệu của Bộ Tài chính, hiện nay có khoảng 6,9 triệu người đang nộp thuế TNCN, trong đó 44% số người nộp thuế chỉ nộp thuế ở bậc 1 với mức thuế suất 5%. Việc  nâng mức GTGC theo đề xuất của Bộ Tài chính sẽ giúp mọi đối tượng nộp thuế TNCN đều được giảm nghĩa vụ thuế. Trong đó, những người nộp thuế có thu nhập thấp hơn sẽ được hưởng lợi nhiều hơn, qua đó góp phần điều tiết hợp lý thu nhập, thực hiện công bằng xã hội. Điều đáng lưu ý, một bộ phận lớn những người đang nộp thuế TNCN ở bậc 1 sẽ chuyển sang diện không phải nộp thuế. Ví dụ, những người có thu nhập 20 triệu đồng/tháng nếu có 2 người phụ thuộc, thì số thuế TNCN phải nộp hàng tháng chỉ có 10.000 đồng, tức là bằng 0,05% thu nhập; còn với những người có thu nhập dưới 15 triệu đồng/tháng nếu có người phụ thuộc sẽ không phải nộp thuế. Như vậy, đây là mức điều tiết hoàn toàn phù hợp đối với mặt bằng mức sống của đa số dân cư hiện nay. 

Về bản chất, GTGC là khoản tiền được trừ khỏi thu nhập chịu thuế nhằm đảm bảo các nhu cầu sinh hoạt, đầu tư tái sản xuất sức lao động… cho bản thân người nộp thuế và gia đình họ. Mức GTGC là mức chung, không phân biệt người có thu nhập cao hay thấp, nhu cầu tiêu dùng ít hay nhiều. Đây là số tiền được trừ trước khi tính thuế TNCN. Chỉ có phần thu nhập vượt trên mức GTGC mới phải chịu thuế TNCN với mức khởi điểm của biểu thuế. Thu nhập làm căn cứ tính thuế là số còn lại sau khi lấy tiền lương, tiền công trừ đi các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, mức GTGC, các khoản đóng góp từ thiện… Phần còn lại sau thuế TNCN là thu nhập của người nộp thuế. 

 

Dưới góc độ nghiên cứu chính sách, cơ sở nào để Bộ Tài chính đưa ra mức đề xuất nâng từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng đối với bản thân người nộp thuế và 3,6 triệu đồng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng đối với mỗi người phụ thuộc thay vì một mức khác, thưa ông?

 

Một trong những điểm thay đổi quan trọng của chính sách thuế TNCN kể từ ngày 1/7/2013 đó là, cho phép điều chỉnh mức GTGC theo biến động của chỉ số giá tiêu dùng và giao thẩm quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trên cơ sở đề xuất của Chính phủ. Từ khi áp dụng mức GTGC hiện hành đến cuối năm 2019, CPI đã tăng 23,2%. Do đó, việc điều chỉnh GTGC từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng đối với bản thân người nộp thuế và từ 3,6 triệu đồng/người/tháng lên 4,4 triệu đồng/người/tháng đối với mỗi người phụ thuộc là tương đương với mức tăng của CPI, đảm bảo tuân thủ đúng quy định   tại Khoản 4 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNCN số 26/2012/QH13.

Cũng cần lưu ý thêm, với đề xuất cho phép áp dụng mức GTGC mới cho kỳ quyết toán thuế năm 2020 sẽ đảm bảo tính cập nhật, kịp thời của chính sách, cũng như quyền lợi của người nộp thuế. 

 

Cùng với đề nghị cần phải nâng thêm mức GTGC so với đề xuất để đảm bảo cuộc sống, thì không ít ý kiến lại cho rằng, việc xây dựng mức GTGC cần phải tính tới sự hài hòa lợi ích giữa người nộp thuế và Nhà nước. ? Ông có bình luận gì về vấn đề này?

 

Tôi cho rằng việc nghiên cứu và hoạch định các chính sách tài chính - ngân sách nói chung, chính sách thuế nói riêng cần xét trên nhiều khía cạnh để đảm bảo hài hòa giữa các mục tiêu khác nhau, nhưng tất cả đều phải vì sự phát triển chung của xã hội. Khái niệm “đảm bảo cuộc sống” cũng có hàm ý rất rộng. Các cá nhân với các mức thu nhập và điều kiện sống khác nhau sẽ yêu cầu “đảm bảo cuộc sống” khác nhau. Trong khi đó, chính sách của Nhà nước cần phải mang tính phổ quát. Việc điều chỉnh mức GTGC thuế TNCN vì thế cũng cần được đánh giá, xem xét trên nhiều góc độ nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên liên quan. Đối chiếu với mặt bằng chung về mức sống của người dân ở nước ta hiện nay thì thấy, mức GTGC 11 triệu đồng/tháng không phải là thấp. Hơn nữa, mức này đã xấp xỉ 2 lần GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2019, trong khi mức GTGC của Trung Quốc chỉ có bằng 0,85 lần và Philippines là 0,55 lần. Đó là chưa kể, tại nhiều nước đang phát triển thường duy trì mức GTGC trong một thời gian nhất định, và luật thuế cũng không quy định cứng tần suất bao lâu sẽ thực hiện điều chỉnh. Đơn cử như Trung Quốc, giai đoạn 2011-2019 chỉ điều chỉnh một lần mức GTGC.

Từ góc độ Nhà nước, việc thực hiện chính sách thuế TNCN có vai trò rất quan trọng để triển khai chính sách phân phối lại. Cùng với các nguồn thu khác,  thuế TNCN đã tạo nên quỹ NSNN để đáp ứng các nhu cầu chi cho đầu tư phát triển, an ninh quốc phòng, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo. Đồng thời, nguồn thu từ thuế TNCN và các nguồn thu khác sẽ được đầu tư trở lại nền kinh tế. Trong bối cảnh thu NSNN ngày càng khó khăn, nhất là dịch Covid-19 đang  ảnh hưởng đến nguồn thu, thì việc nâng mức GTGC theo đề xuất của Bộ Tài chính cũng thể hiện sự chia sẻ kịp thời của Nhà nước trước những khó khăn của người dân và DN. Bởi theo ước tính, với mức điều chỉnh GTGC này, NSNN sẽ giảm thu khoảng 10.300 tỷ đồng/năm. Có nghĩa là số tiền này sẽ được bổ sung vào thu nhập của người dân, giúp một bộ phận có điều kiện để mở rộng chi tiêu.

 

Ông có thể giải thích vì sao Bộ Tài chính mới chỉ xây dựng nghị quyết điều chỉnh mức GTGC mà chưa sửa Luật Thuế TNCN?

 

Trải qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung, đến nay những nội dung của chính sách thuế TNCN hiện hành về cơ bản đã từng bước tiệm cận và phù hợp với thông lệ quốc tế cả về phương thức tính, cơ cấu biểu thuế, cũng như cơ sở thuế. Do là luật quan trọng, lại có ảnh hưởng lớn đến nhiều cá nhân, nên để sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNCN cần phải có sự đánh giá toàn diện, thấu đáo về kết quả thực hiện trong giai đoạn vừa qua, cũng như đảm bảo phù hợp với các định hướng cải cách thuế trung và dài hạn. Bên cạnh đó, cải cách chính sách thuế TNCN cũng cần phải có sự đồng bộ với việc cải cách các chính sách thuế có liên quan khác, như thuế TNDN. Tôi được biết, Bộ Tài chính đang tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả triển khai Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020, trên cơ sở đó, nghiên cứu xây dựng chiến lược cho giai đoạn 2021-2030. Mặt khác, trong Chiến lược và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm và 10 năm tới dự kiến trình Đại hội Đại biểu toàn Quốc lần thứ XIII của Đảng cũng sẽ có các vấn đề liên quan đến vực tài chính - ngân sách, trong đó có cả các chính sách thuế. Đây là những căn cứ quan trọng cho việc sửa đổi các luật thuế, trong đó có cả thuế TNCN theo các lộ trình thích hợp, đảm bảo tính đồng bộ, ổn định của hệ thống chính sách thuế.

Xin trân trọng cảm ơn ông!


Nguồn: TTC Online