Trước khó khăn của hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại, đầu tư do tác động của đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính dự báo nguồn thu NSNN năm 2020 sẽ giảm. Vì vậy, để cân đối nguồn lực đảm bảo nhu cầu chi, Bộ Tài chính đã đề xuất nhiều giải pháp quan trọng, trong đó có biện pháp cắt giảm kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước.
Bổ sung hơn 52.000 tỷ đồng ứng phó Covid-19
Bộ Tài chính cho biết, bên cạnh đảm bảo nguồn chi cho đầu tư phát triển, các cấp NSNN còn dành khoảng 52.6000 tỷ đồng bổ sung nguồn lực để thực hiện chế độ, chính sách, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19. Trong đó, Bộ Tài chính đã dành khoảng 9.500 tỷ đồng cả ngân sách trung ương và địa phương mua sắm trang thiết bị vật tư phòng chống dịch; dành 6.700 tỷ đồng chi chế độ ưu tiên phụ cấp cho các lực lượng tham gia phòng, chống dịch; chi tiền ăn cho người bị cách ly, chi khám chữa bệnh nền trong thời gian cách ly. Cạnh đó, dành 36.000 tỷ đồng từ NSNN để hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho các đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu; hỗ trợ thêm cho một số nhóm đối tượng đang hưởng chính sách ưu đãi, bảo trợ xã hội trong thời gian có dịch. Ngoài ra, NSNN còn phải chủ động bố trí nguồn để tăng cường hàng dự trữ quốc gia (chủ yếu là lương thực), hỗ trợ kịp thời người dân ở những khu vực thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo không ai bị đói.
Do đại dịch Covid-19 đã và đang tác động lớn đến hoạt động cân đối thu-chi NSNN, Bộ Tài chính dự kiến phương án tích cực nhất là dịch Covid-19 kết thúc trong quý II/2020, với tăng trưởng GDP đạt khoảng 5,3% (giảm 1,5% so với kế hoạch); giá dầu bình quân cả năm khoảng 35 USD/thùng; thu từ cổ phần hoá và thoái vốn DNNN không thực hiện được, thì thu NSNN ước giảm khoảng 140.000-150.000 tỷ đồng. Trong đó, thu ngân sách trung ương giảm khoảng 100.000-110.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương giảm 40.000 tỷ đồng. Trường hợp tăng trưởng GDP không đạt mức dự kiến này, (dưới 5% như dự báo của các tổ chức quốc tế), thu NSNN sẽ tiếp tục giảm lớn hơn, nhất là số thu ở các khu vực kinh tế trọng điểm như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng do chịu rất nhiều tác động từ sự đình trệ của các ngành dịch vụ, du lịch, thương mại, logistics…
Cắt giảm ít nhất 30% kinh phí hội nghị, công tác
Trong bối cảnh dự báo thu NSNN có thể giảm sâu, nhưng vẫn phải đảm bảo chi đầu tư phát triển, tăng chi an sinh xã hội và phòng chống dịch bệnh, Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình triển khai của từng dự án đầu tư công; ưu tiên bố trí vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, các dự án cần đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng. Kết thúc năm, trường hợp vốn đầu tư vẫn chưa giải ngân hết, sẽ bị hủy bỏ để giảm bội chi NSNN năm 2020.
Mặt khác, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát, cắt giảm ít nhất 30% kinh phí hội nghị, công tác phí trong nước và 50% công tác phí nước ngoài (riêng các cơ quan trung ương dự kiến tiết kiệm được khoảng 600-700 tỷ đồng). Liên quan đến công tác bố trí nguồn lực cho nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và an sinh xã hội, bên cạnh việc sử dụng dự phòng, dự trữ tài chính, Bộ Tài chính đề nghị các tỉnh, TP phải chủ động sử dụng từ nguồn tăng thu ngân sách địa phương và kinh phí cải cách tiền lương còn dư để xử lý. Đối với những địa phương khó khăn, ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ theo các mức 30%, 50% và 70% kinh phí thực phát sinh. UBND các tỉnh, TP chỉ đạo cơ quan tài chính rà soát nguồn lực để quyết định xử lý theo thẩm quyền, hoặc báo cáo thường trực HĐND cùng cấp theo quy định.
Đối với cân đối ngân sách trung ương, Bộ Tài chính dự kiến dành 34.600 tỷ đồng nguồn tăng thu và chi còn lại của năm 2019 chuyển sang năm 2020. Trong đó, dự kiến dành 20.000 tỷ đồng để cùng với ngân sách địa phương thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và an sinh xã hội. Số còn lại 14.600 tỷ đồng tiếp tục sử dụng cho công tác phòng chống dịch Covid-19 và hỗ trợ cân đối ngân sách trung ương.
Đối với các đề xuất từ một số tổ chức quốc tế cho Việt Nam vay hỗ trợ ngân sách, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đang đàm phán với các nhà tài trợ để có thể vay ưu đãi nhất. Dự kiến, có thể vay với chi phí thấp từ các tổ chức này khoảng 1 tỷ USD. Tuy nhiên, do số bội chi, tỷ lệ bội chi và tổng mức vay nợ hàng năm của NSNN do Quốc hội quyết định, nên trong khi tiếp tục theo dõi, đánh giá thêm về tác động của dịch bệnh đối với các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô nói chung và tài chính-NSNN nói riêng, Bộ Tài chính sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phương án phù hợp, đảm bảo thực hiện đúng nghị quyết của Quốc hội về dự toán NSNN năm 2020.
Nguồn: TCT Online
Giải pháp cân đối nguồn lực đảm bảo chi NSNN