• 8:00 - 17:00 từ Thứ 2 đến Thứ 6 & 8:00 - 12:00 sáng Thứ 7
  • 1900-6154
0

Language



Cơ cấu thu- chi NSNN đạt được nhiều kết quả tích cực

Đó là đánh giá của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển tại buổi làm việc với Bộ Tài chính về tình hình thực hiện Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 và Kế hoạch giai đoạn 2021-2025 diễn ra chiều 28/9 tại Hà Nội.

 

 

Báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và tài chính NSNN năm 2020 được triển khai trong bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19. Trước tình hình đó, các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời ban hành và triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân như miễn giảm, giãn thuế và các khoản thu ngân sách, tăng chi phòng chống dịch bệnh và an sinh xã hội, hướng tới “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.

Mặt khác, triển khai Nghị quyết Đại hội XII và các nghị quyết của Quốc hội, Bộ Tài chính đã ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành khối lượng văn bản quy phạm pháp luật chiếm trên 20% tổng khối lượng xây dựng pháp luật của Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương. Cùng với hoàn thiện cơ chế chính sách, Bộ Tài chính cũng đã đẩy mạnh công tác cải cách, hiện đại hóa thủ tục hành chính nhất là trong lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc nhà nước.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Bộ Tài chính tiếp tục giữ vụ trí thứ 2/17 bộ, cơ quan ngang bộ về chỉ số cải cách hành chính năm 2019 và theo Báo cáo môi trường kinh doanh được Ngân hàng Thế giới công bố vào tháng 10/2019 thì chỉ số về thuế của Việt Nam đã tăng 22 bậc, từ vị trí 131 lên thứ 109/190 quốc gia. Cùng với đó, cơ cấu thu NSNN đã có chuyển biến tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng thu nội địa, giảm dần tỷ trọng thu cân đối xuất nhập khẩu và dầu thô. Chi NSNN có nhiều đổi mới; kiểm soát chặt chẽ bội chi; kỷ luật về tài chính – NSNN được siết chặt.

Trên cơ sở này, trong giai đoạn 2021-2025, Bộ Tài chính tiếp tục mục tiêu huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội XIII. Đồng thời, cơ cấu lại NSNN, nợ công đảm bảo an toàn, bền vững góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh. Mặt khác, tiếp tục đẩy mạnh đổi mới khu vực DNNN, sự nghiệp công; quản lý tài sản công; phát triển đồng bộ các thị trường và dịch vụ tài chính; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; tăng cường cải cách hành chính, hiện đại hóa gắn liền với việc sắp xếp tổ chức lại bộ máy tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá cao kết quả thực hiện kế hoạch tài chính – NSNN giai đoạn 2016-2020 của Bộ Tài chính, đặc biệt trong công tác hoàn thiện thể chế, huy động, phân bổ nguồn lực tài chính.

Cũng trong giai đoạn này, tỷ lệ huy động nguồn thu cho NSNN đạt và vượt kế hoạch; chi NSNN đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, đúng nguyên tắc; cơ cấu thu chi NSNN ngày càng tích cực, giảm nhiều sự phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu thô và thu từ xuất nhập khẩu. Cùng với đó, tăng dần chi NSNN cho đầu tư phát triển, giảm dần chi thường xuyên; tỷ lệ bội chi, nợ công đều đảm bảo nằm trong giới hạn Quốc hội cho phép. Công tác cải cách hành chính và thủ tục hành chính đạt được kết quả vượt bậc được cộng đồng DN và người dân đánh giá cao.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh: “Bộ Tài chính với vị trí và vai trò được các cấp có thẩm quyền giao đã thực hiện tốt kế hoạch tài chính - NSNN 5 năm giai đoạn 2016-2020".
 
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đã định hướng một số chỉ tiêu, nội dung trong kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021-2026. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Kỳ họp thứ X, Quốc hội Khóa XIV tới đây rất quan trọng.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ cho ý kiến việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020, kế hoạch tài chính – ngân sách 5 năm và kế hoạch đầu tư công 5 năm. Cùng với đó, Quốc hội cũng sẽ thảo luận, xem xét và đánh giá về tình hình thực hiện kinh tế - xã hội, dự toán NSNN năm 2020 và quyết định dự toán NSNN, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Đồng thời, Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến để chuẩn bị nhiệm vụ cho nhiệm kỳ 2021-2025 về kinh tế - xã hội, kế hoạch tài chính NSNN và mục tiêu đầu tư công trung hạn.

Nguồn: Tạp chí Thuế