Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 03/2019/TT-BCT
1. Bổ sung khoản 4 và khoản 5 Điều 29 như sau:
“4. Khái niệm “xe toàn bộ” (wholly formed) tại khoản 3 có nghĩa là toàn bộ quá trình sản xuất và công đoạn hoàn thiện, bắt đầu từ ép đùn sợi filament, dải, màng hoặc tấm, và bao gồm cả kéo căng sợi filament hoặc cắt màng hoặc tấm thành dải, hoặc công đoạn kéo các loại xơ thành sợi, hoặc cả hai, và cuối cùng thu được sợi thành phẩm (a finished yarn) hoặc sợi chập (plied yarn).
5. Quy định tại khoản 3 Điều này không áp dụng đối với các nguyên liệu được liệt kê tại Phụ lục VIII (Danh mục nguồn cung thiếu hụt).”
2. Điều 33 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 33. Tổ chức thực hiện và hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08 tháng 3 năm 2019.
2. Các nội dung hướng dẫn, thống nhất cách hiểu liên quan đến Quy tắc xuất xứ hàng hóa được các Nước thành viên thống nhất luân phiên hoặc thống nhất tại báo cáo các phiên họp của Ủy ban về Quy tắc xuất xứ và thủ tục chứng nhận xuất xứ và Hội đồng CPTPP trong khuôn khổ thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương là căn cứ để các cơ quan, tổ chức cấp C/O và cơ quan hải quan thực hiện.
3. Các nội dung nêu tại khoản 2 Điều này được thông báo đến các cơ quan, tổ chức cấp C/O và cơ quan hải quan thông qua cơ quan đầu mối quy định tại Quyết định số 734/QĐ-TTg ngày 14 tháng 6 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc Chỉ định các cơ quan đầu mối để triển khai thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).”
3. Bãi bỏ Phụ lục III (Trường hợp ngoại lệ áp dụng De Minimis) ban hành kèm theo Thông tư số 03/2019/TT-BCT và thay thế bằng Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
4. Bãi bỏ Phụ lục IV (Mẫu C/O CPTPP của Việt Nam) ban hành kèm theo Thông tư số 03/2019/TT-BCT và thay thế bằng Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.
5. Bãi bỏ Phụ lục V (Mẫu Tờ khai bổ sung C/O mẫu CPTPP của Việt Nam) ban hành kèm theo Thông tư số 03/2019/TT-BCT và thay thế bằng Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.
6. Bãi bỏ Phụ lục VI (Hướng dẫn kê khai C/O mẫu CPTPP và Tờ khai bổ sung) ban hành kèm theo Thông tư số 03/2019/TT-BCT và thay thế bằng Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 2. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 08 tháng 5 năm 2020./.
----------
TRƯỜNG HỢP NGOẠI LỆ ÁP DỤNG DE MINIMIS
(ban hành kèm theo Thông tư số 06/2020/TT-BCT)
_______________________
Điều 14 Thông tư số 03/2019/TT-BCT không áp dụng cho:
a) Nguyên liệu không có xuất xứ từ nhóm 0401 đến nhóm 0406, hoặc chế phẩm từ sữa không có xuất xứ có chứa hơn 10% tính theo trọng lượng khô của sữa ở thể rắn thuộc phân nhóm 1901.90 hoặc phân nhóm 2106.90, được sử dụng trong quá trình sản xuất hàng hóa từ nhóm 0401 đến nhóm 0406 ngoại trừ hàng hóa từ phân nhóm 0402.10 đến phân nhóm 0402.29 hoặc phân nhóm 0406.30.(*)
b) Nguyên liệu không có xuất xứ từ nhóm 0401 đến nhóm 0406, hoặc chế phẩm sữa không có xuất xứ có chứa hơn 10% tính theo trọng lượng khô của sữa ở thể rắn của phân nhóm 1901.90, được sử dụng để sản xuất các hàng hóa sau:
- Chế phẩm cho trẻ em có chứa hơn 10% tính theo trọng lượng khô của sữa ở thể rắn của phân nhóm 1901.10;
- Bột trộn và bột nhào, có chứa hơn 25% tính theo trọng lượng khô của bơ béo, không được đóng gói để bán lẻ của phân nhóm 1901.20;
- Chế phẩm sữa có chứa hơn 10% tính theo trọng lượng khô của sữa ở thể rắn của phân nhóm 1901.90 hoặc phân nhóm 2106.90;
- Hàng hóa của nhóm 2105;
- Đồ uống có chứa sữa của phân nhóm 2202.90; hoặc
- Thức ăn cho động vật có chứa hơn 10% tính theo trọng lượng khô của sữa ở thể rắn của phân nhóm 2309.90.
c) Nguyên liệu không có xuất xứ của nhóm 0805 hoặc từ phân nhóm 2009.11 đến phân nhóm 2009.39, được sử dụng trong quá trình sản xuất hàng hóa của từ phân nhóm 2009.11 đến phân nhóm 2009.39 hoặc nước ép hoa quả hoặc rau của một loại quả hoặc rau, tăng cường thêm các khoáng hoặc vi-ta-min, đã hoặc chưa được cô đặc, của phân nhóm 2106.90 hoặc phân nhóm 2202.90.
d) Nguyên liệu không có xuất xứ của Chương 15 của Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa được sử dụng để sản xuất hàng hóa của các nhóm 1507, 1508, 1512 hoặc 1514; hoặc
đ) Đào, lê hoặc mơ không có xuất xứ của Chương 08 hoặc Chương 20 của Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa được sử dụng để sản xuất hàng hóa của nhóm 2008.
---------
(*) Sữa bột từ phân nhóm 0402.10 đến phân nhóm 0402.29 và phô mai đã chế biến của phân nhóm 0406.30, có xuất xứ sau khi áp dụng 10% De Minimis theo quy định tại Điều 14 Thông tư số 03/2019/TT-BCT, được coi là nguyên liệu có xuất xứ khi sử dụng để sản xuất hàng hóa từ nhóm 0401 đến nhóm 0406 theo quy định tại điểm a) Phụ lục này hoặc hàng hóa được liệt kê tại điểm b) Phụ lục này.
...(Xem chi tiết tại văn bản)...
Tải về tại đây:
Thông tư 06/2020/TT-BCT ngày 24/03/2020
Sửa đổi TT 03/2019/TT-BCT quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương