Thuế suất thuế giá trị gia tăng của mặt hàng máy trợ thính
Tổng cục Hải quan nhận được kiến nghị của Công ty TNHH Thiết bị y tế Huỳnh Ngọc phản ánh vướng mắc về thuế suất thuế giá trị gia tăng của mặt hàng máy trợ thính. Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:
Căn cứ quy định tại khoản 24 Điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 thì: “Sản phẩm nhân tạo dùng để thay thế cho bộ phận cơ thể của người bệnh; nạng, xe lăn và dụng cụ chuyên dùng khác cho người tàn tật” thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.
Căn cứ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 Luật Người khuyết tật số 51/2010/QH12 quy định “Khuyết tật nghe, nói” là một dạng tật.
Căn cứ quy định tại khoản 24 Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC thì: “Sản phẩm nhân tạo dùng để thay thế cho bộ phận cơ thể của người bệnh, bao gồm cả sản phẩm là bộ phận cấy ghép lâu dài trong cơ thể người; nạng, xe lăn và dụng cụ chuyên dùng khác dùng cho người tàn tật” thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.
Theo ý kiến của Bộ Y tế tại công văn số 1325/BYT-TB-CT ngày 17/03/2020 thì: “Máy trợ thính (thiết bị khuếch đại âm thanh cho người bị mất thính lực và không nghe được âm thanh đối thoại hay tiếng động thông thường) là dụng cụ chuyên dùng cho người bị khuyết tật nghe và không sử dụng vào mục đích khác”.
Căn cứ các quy định và ý kiến của Bộ Y tế tại công văn số 1325/BYT-TB-CT nêu trên, trường hợp Công ty TNHH Thiết bị y tế Huỳnh Ngọc nhập khẩu mặt hàng máy trợ thính thì máy trợ thính là dụng cụ chuyên dùng cho người tàn tật, thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.
Công văn 2223/TCHQ-TXNK ngày 07/04/2020
Thuế suất thuế giá trị gia tăng của mặt hàng máy trợ thính