Tổng cục Hải quan nhận được nhiều kiến nghị của cơ quan có thẩm quyền cấp C/O và doanh nghiệp phản ánh khó khăn đối với nộp C/O do ảnh hưởng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp gây ra bởi virus Corona (Covid 19), cụ thể như sau:
I. Đề nghị gia hạn thời hạn nộp bổ sung C/O:
1. Nội dung kiến nghị:
Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa phản ánh do đại dịch Covid 19, một số nước áp dụng giải pháp cách ly, phong tỏa xã hội dẫn việc người khai hải quan không thể có C/O để nộp đúng hạn thời gian quy định. Để tháo gỡ khó khăn trong doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh Covid 19, doanh nghiệp đề nghị cơ quan hải quan gia hạn thời hạn nộp bổ sung C/O để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt.
2. Cơ sở pháp lý:
...(Xem chi tiết tại văn bản)...
3. Quan điểm của của Tổng cục Hải quan:
Căn cứ Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/03/2020, số 02/CT-BTC ngày 13/3/2020 về các nhiệm vụ giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, căn cứ thẩm quyền của Bộ Tài chính quy định tại Điều 27, Luật Hải quan số 54/2014/QH13 và Điều 32 Nghị định 31/2018/NĐ-CP, Tổng cục Hải quan báo cáo cấp có thẩm quyền áp dụng thời điểm nộp C/O trong giai đoạn dịch bệnh Covid cho tất cả các mẫu C/O là trong thời gian hiệu lực của C/O, cũng phù hợp với quy định tại các cam kết quốc tế.
II. C/O sử dụng chữ ký và con dấu điện tử:
1. Đề xuất của một số quốc gia:
1.1. Indonesia:
Bộ Tài chính/Tổng cục Hải quan nhận được công hàm số 188/DAGLU.5.1/SD/III/2020 đề ngày 30/3/2020 của Bộ Thương mại Indonesia qua thư điện tử liên quan đến C/O do Indonesia cấp.
Indonesia thông báo quốc gia này để ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh, hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa cơ quan cấp và doanh nghiệp, kể từ ngày 01/04/2020, Indonesia chính thức cấp C/O các mẫu (trong đó mẫu D, E, AK, AANZ, AI) là liên quan đến cơ quan hải quan vì có chung Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam) sử dụng con dấu và chữ ký điện tử (affixed signatures and seals). Cơ quan hải quan có thể kiểm tra thông tin trên C/O thông qua truy cập trang điện tử của cơ quan cấp C/O Indonesia. Theo đó, C/O sẽ không được cấp bản giấy cho doanh nghiệp mà sẽ cấp trên hệ thống điện tử sử dụng chữ ký và con dấu điện tử.
1.2. Malaysia:
Malaysia gửi thư điện tử cho các nước ASEAN thông báo để đối phó với dịch bệnh Covid 19, hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa doanh nghiệp và cơ quan cấp C/O, Malaysia cấp C/O sử dụng chữ ký và con dấu điện tử từ 13/04/2020 đối với tất cả các mẫu C/O. Cơ quan hải quan có thể kiểm tra tính hợp lệ của C/O trên trang điện tử của cơ quan cấp với tài khoản bảo mật. Malaysia cũng gửi kèm quy trình kiểm tra tính hợp lệ C/O trên trang điện tử của Bộ Thương mại Malaysia để các nước ASEAN có thể truy cập kiểm tra C/O.
1.3 Ấn Độ:
Đại sứ quán Ấn Độ cũng gửi công văn và thư điện tử đính kèm công hàm số 01/2020-2021 thông báo về việc Ấn Độ chỉ cấp C/O qua hệ thống điện tử (C/O sẽ được ký điện tử) cho tất cả các mẫu C/O kể từ ngày 07/04/2020. Hình thức C/O điện tử sẽ tương tự như C/O bản giấy. Người nộp đơn xin cấp C/O có thể tải C/O đã được cấp từ trang điện tử và từ trang điện tử có thể chia sẻ/gửi C/O điện tử cho cơ quan hải quan nước nhập khẩu. Cơ chế kiểm tra C/O cũng được xây dựng tra cứu trên trang điện tử của cơ quan cấp. Bản C/O điện tử có chữ ký điện tử của người có thẩm quyền cấp C/O theo quy định.
Bản C/O điện tử có thể được kiểm tra dựa trên việc quét mã vạch hoặc kiểm tra trên trang điện tử của cơ quan cấp qua việc tra cứu số tham chiếu của C/O.
2. Cam kết quốc tế và quy định nội luật về C/O mẫu D sử dụng chữ ký và con dấu điện tử:...
...(Xem chi tiết tại văn bản)...
3. Quan điểm của Tổng cục Hải quan:
- Đối với C/O mẫu D: C/O áp dụng chữ ký và con dấu điện tử đã được quy định trong OCP sửa đổi của Hiệp định ATIGA, cam kết thực hiện từ 9/2020. Vướng mắc chỉ liên quan đến thời điểm áp dụng sớm hơn lộ trình đã thống nhất. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh dẫn đến nhiều việc thực thi giãn cách xã hội hoặc thực hiện phong tỏa thành phố, quốc gia thì đề xuất áp dụng C/O có con dấu, chữ ký điện tử và có thể kiểm tra C/O trên trang điện tử của cơ quan cấp là một giải pháp phù hợp và đúng chủ trương theo tuyên bố của Bộ trưởng ASEAN về các biện pháp đối phó Covid 19.
- Đối với C/O mẫu AI: Do không trái với cam kết quốc tế và cơ quan hải quan có thể kiểm tra tính hợp lệ của C/O trên trang điện tử của cơ quan cấp, trước tình hình các nước áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội hoặc phong tỏa đất nước thì đề xuất chấp nhận các mẫu C/O sử dụng hình thức cấp sử dụng con dấu và chữ ký điện tử với điều kiện cơ quan hải quan có thể kiểm tra thông tin trên trang điện tử của cơ quan cấp C/O để đảm bảo giá trị pháp lý.
- Đối với C/O mẫu khác: trường hợp cơ quan hải quan có thể kiểm tra tính hợp lệ của C/O trên trang điện tử của cơ quan cấp, cơ quan hải quan chấp nhận C/O sử dụng dấu và chữ ký điện tử sau khi có thông báo chính thức từ cơ quan cấp.
III. Chấp nhận bản chụp C/O thay vì bản gốc C/O tại thời điểm nhập khẩu:
1. Nội dung đề xuất của Philippines:
- Philippines thông báo chính phủ nước này đã thực thi biện pháp khẩn cấp toàn quốc từ ngày 24/3/2020 để đối phó với tình hình dịch bệnh Covid 19, trong đó có quy định về việc làm việc tại nhà đối với phần lớn các cơ quan chính phủ và giảm thiểu hoạt động của các ngành dịch vụ, vận chuyển hàng hóa không thiết yếu. Quy định này khiến cho người xuất khẩu Philippines khó khăn để nhận được bản gốc C/O và/hoặc gửi C/O cho người nhập khẩu nước ngoài.
Do vậy, Philippines đề nghị các nước ASEAN chấp nhận sử dụng bản chụp chứng từ thương mại, trong đó có C/O cho hàng hóa Philippines xuất khẩu sang ASEAN để thông quan và áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt. Điều đó giúp cho hoạt động xuất nhập khẩu không bị tổn hại cũng như phòng chống được dịch bệnh cho cả doanh nghiệp và công chức tuyến đầu của biên giới. Bản gốc C/O sẽ gửi nộp cho cơ quan hải quan trong thời gian 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai.
Đối với việc áp dụng C/O điện tử được truyền qua hệ thống một cửa ASEAN, Philippines thông báo, đến thời điểm này, chỉ có 03 cảng của Philippines kết nối được với hệ thống và rất ít doanh nghiệp Philippine đã đăng ký để có thể được cấp điện tử trên hệ thống. Do vậy, phần lớn doanh nghiệp Philippines không thể xin cấp được C/O điện tử trong giai đoạn khó khăn này.
2. Quy định hiện hành:
...(Xem chi tiết tại văn bản)...
3. Quan điểm của Bộ Tài chính:
- Đối với C/O mẫu D, theo quy định tại khoản 1, Điều 7, Thông tư số 38/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 (được sửa đổi bổ sung tại Thông tư số 62/2019/TT-BTC), thời điểm nộp C/O mẫu D để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt là tại thời điểm làm thủ tục hải quan hoặc trong thời gian 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.
Theo đó, đề xuất của Philippines về thời điểm nộp bản chính C/O phù hợp với quy định hiện hành của cơ quan hải quan (30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan).
Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho người nhập khẩu trong giai đoạn khó khăn về dịch bệnh Covid 19, đề xuất của Philippines là người khai hải quan có thể được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt tại thời điểm nhập khẩu khi doanh nghiệp nộp bản scan và sẽ nộp bản chính (có chữ ký và con dấu mực) trong thời gian 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan. Trong khi quy định hiện hành của Việt Nam là tại thời điểm làm thủ tục hải quan, người khai hải quan chưa nộp bản chính thì chỉ được áp dụng thuế suất ưu đãi MFN và khi nào nộp bản chính mới được hoàn số thuế chênh lệch giữa thuế suất MFN và thuế suất ưu đãi đặc biệt.
- Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh Covid 19, Tổng cục Hải quan kiến nghị chấp nhận đề xuất của Philippines với điều kiện cơ quan hải quan có thể kiểm tra thông tin trên trang điện tử của cơ quan cấp C/O để đảm bảo giá trị pháp lý. Trong trường hợp này, cơ quan hải quan có thể không cần yêu cầu người khai hải quan nộp bản chính vì đã được xác thực trên hệ thống cấp của cơ quan cấp C/O.
Trường hợp cơ quan cấp C/O không có trang điện tử để cơ quan hải quan có thể tra cứu kiểm tra tính hợp pháp của C/O hoặc cơ quan xuất khẩu không gửi trực tiếp bản scan cho cơ quan hải quan, người khai hải quan khai không được nộp bản scan để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt. Trong trường hợp này, người khai hải quan khai báo nợ C/O và nộp bổ sung C/O trong thời gian quy định.
IV. Nộp bản chụp C/O để được giải phóng/thông quan hàng hóa đối với hàng hóa thuộc diện quản lý nhập khẩu phải nộp C/O:
1. Nội dung đề xuất:
Theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 4, Thông tư số 38/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 (được sửa đổi bổ sung tại Thông tư số 62/2019/TT-BTC), đối với hàng hóa thuộc diện quản lý nhập khẩu (ví dụ than đá) để được nhập khẩu, người khai hải quan nộp bản chính C/O cho cơ quan hải quan.
Một số Cục Hải quan địa phương phản ánh, do đại dịch Covid 19 diễn ra, các doanh nghiệp nhập khẩu than đang gặp khó khăn khi hàng hóa đã được xếp lên phương tiện vận tải hoặc đang trên hành trình vận chuyển về Việt Nam, nhưng do một số tổ chức cấp C/O tại nước sở tại ngừng cấp C/O hoặc mạng lưới dịch vụ chuyển phát nhanh bị ùn tắc do nhiều hãng hàng không tạm thời giảm thiểu hoặc hủy các chuyến bay giữa các quốc gia nên doanh nghiệp nhập khẩu than không thể nhận bản chính C/O để nộp tại thời điểm làm thủ tục nhập khẩu, dẫn đến hàng hóa không làm được thủ tục thông quan, phát sinh chi phí lưu tàu, lưu kho rất lớn.
2. Quy định hiện hành:
Theo quy định lại điểm b, khoản 1, Điều 4 và khoản 1, Điều 7, Thông tư số 38/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 (được sửa đổi bổ sung tại Thông tư số 62/2019/TT-BTC), để được nhập khẩu, người khai hải quan nộp bản chính C/O cho cơ quan hải quan tại thời điểm làm thủ tục hải quan.
3. Quan điểm của Tổng cục Hải quan:
Để thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ về tiến hành các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh Covid 19, Tổng cục Hải quan chấp nhận bản chụp để làm căn cứ thông quan cho các lô hàng thuộc diện quản lý nhập khẩu phải nộp C/O cho cơ quan hải quan trong trường hợp không có dấu hiệu bất thường về xuất xứ hàng hóa thông quan kiểm tra chặt chẽ hành trình lô hàng, thông tin về hàng hóa, về người xuất khẩu, nhập khẩu và các thị trường xuất khẩu hàng hóa.
V. Nội dung lấy ý kiến tham gia:
- Điều 4 và Điều 7 Thông tư số 62/2019/TT-BTC ngày 05/09/2019 quy định về trường hợp nộp, hình thức và thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Để đảm bảo các giải pháp đưa ra phù hợp với quy định pháp lý liên quan, Bộ Tài chính/Tổng cục Hải quan dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 62/2019/TT-BTC ngày 05/09/2019 đưa các nội dung nêu trên vào Thông tư sửa đổi.
Để có cơ sở tổng hợp báo cáo các cấp có thẩm quyền xử lý, đề nghị Quý đơn vị tham gia ý kiến đối với các nội dung nêu tại công văn và dự thảo Thông tư và gửi về Tổng cục Hải quan trước ngày 27/4/2020.
Tải về tại đây:
Công văn 2598/TCHQ-GSQL ngày 23/04/2020
Tham gia ý kiến về ảnh hưởng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp gây ra bởi virus Corona