Trả lời Cục Hải quan tỉnh Lào Cai phản ánh vướng mắc về thuế GTGT mặt hàng dược liệu nhập khẩu, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:
1. Căn cứ điểm 1 khoản 2 Điều 8 Luật Thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 quy định mức thuế suất 5% áp dụng đối với “sản phẩm hóa dược, dược liệu là nguyên liệu sản xuất thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”.
Căn cứ khoản 1 Điều 4 Thông tư số 83/2014/TT-BTC hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng theo danh mục hàng hóa nhập khẩu Việt Nam quy định: “Trường hợp hàng hóa được quy định cụ thể thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng hoặc áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 5% hoặc 10% theo quy định của Luật thuế giá trị gia tăng và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật thuế giá trị gia tăng thì thực hiện theo quy định tại các văn bản đó”.
Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp “sản phẩm hóa dược, dược liệu là nguyên liệu sản xuất thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh” đã được quy định cụ thể thuộc đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT 5% theo quy định của Luật thuế GTGT và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật thuế GTGT, do đó, thuế suất thuế GTGT của sản phẩm này thực hiện theo quy định tại Luật là 5%.
2. Tại Biểu thuế GTGT ban hành kèm theo Thông tư số 83/2014/TT-BTC có một số nhóm như phân nhóm mặt hàng 1211: “Các loại cây và các bộ phận của cây (kể cả hạt và quả), chủ yếu dùng làm nước hoa, làm dược phẩm hoặc thuốc trừ sâu, thuốc diệt nấm, hoặc các mục đích tương tự, tươi hoặc khô, đã hoặc chưa cắt, nghiền hoặc xay thành bột” cột thuế suất thuế GTGT ký hiệu là (*,5) thì trường hợp hàng hóa nhập khẩu là dược liệu, được nhập khẩu theo Giấy phép nhập khẩu của Bộ Y tế sẽ có mức thuế suất thuế GTGT 5% theo quy định của Luật thuế GTGT.
Tổng cục Hải quan ghi nhận vướng mắc của Cục Hải quan tỉnh Lào Cai để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi Thông tư số 83/2014/TT-BTC.
Tải về tại đây:
Công văn 5992/TCHQ-TXNK ngày 11/09/2020
Thuế giá trị gia tăng mặt hàng dược liệu nhập khẩu