Tổng cục Hải quan nhận được công văn của Công an tỉnh An Giang vướng mắc về giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa và chính sách mặt hàng đối với máy in Canon LBP214DW. Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:
1. Về chính sách mặt hàng đối với máy in:
- Hàng hóa nhập khẩu là thiết bị in phải được Bộ Thông tin và truyền thông cấp phép theo quy định tại Điều 27 Nghị định số 60/2014/NĐ-CP (được sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 25/2018/NĐ-CP) quy định về hoạt động in và Nghị định số 69/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số Điều của Luật Quản lý ngoại thương. Danh mục hàng hóa theo mã số HS và hình thức quản lý đối với hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu trong lĩnh vực in được quy định tại Phụ lục 01 ban hành kèm Thông tư số 22/2018/TT-BTTTT ban hành Danh mục hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu trong lĩnh vực in, phát hành xuất bản phẩm.
- Theo Thông tư số 11/2020/TT-BTTTT thì mặt hàng máy in không thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Thông tin và truyền thông, do vậy không phải thực hiện phải kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu theo quy định tại Nghị định số 132/2008/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại các Nghị định số 74/2018/NĐ-CP và số 154/2018/NĐ-CP).
- Theo quy định tại Quyết định số 24/2018/QĐ-TTg ban hành Danh mục và lộ trình phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng phải loại bỏ và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây dựng mới thì thiết bị máy in khi nhập khẩu phải đáp ứng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu quy định tại TCVN 9509:2012. Danh mục chi tiết các thiết bị máy in kèm mã HS phải kiểm tra hiệu suất năng lượng được quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm Quyết định số 1325A/QĐ-BCT ngày 20/5/2019 của Bộ Công Thương ban hành Danh mục các mặt hàng (kèm theo mã HS) thực hiện kiểm tra chuyên ngành thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương.
2. Về chứng từ chứng nhận xuất xứ:
- Điều 4 Thông tư số 38/2018/TT-BTC quy định các trường hợp phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho cơ quan hải quan, cụ thể như sau:
+ Hàng hóa có áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt trong các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên.
Thể thức và mẫu C/O ưu đãi để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt được quy định tại Hiệp định Thương mại tự do, nội luật hóa tại các Thông tư hướng dẫn của Bộ Công Thương.
+ Hàng hóa thuộc diện phải tuân thủ các chế độ quản lý nhập khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc theo Điều ước quốc tế hai bên hoặc nhiều bên mà Việt Nam và nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ cùng là thành viên; hàng hóa thuộc diện Việt Nam hoặc các tổ chức quốc tế thông báo đang ở trong thời điểm có nguy cơ gây hại đến an toàn xã hội, sức khỏe của cộng đồng hoặc vệ sinh môi trường cần được kiểm soát; hàng hóa thuộc diện Việt Nam thông báo đang ở trong thời điểm áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại; hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 38/2018/TT-BTC.
Thể thức và mẫu C/O không ưu đãi không được quy định cụ thể. Cơ quan hải quan kiểm tra việc khai đầy đủ các tiêu chí sau trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định tại Điều 15 Thông tư số 38/2018/TT-BTC.
- Thời điểm nộp C/O được quy định tại Điều 7 Thông tư số 38/2018/TT-BTC.
- Qua kiểm tra hồ sơ đính kèm thì C/O là mẫu không ưu đãi, hàng hóa không áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư số 38/2018/TT-BTC. Mặt hàng máy in cũng không thuộc trường hợp phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư số 38/2018/TT-BTC.
Tải về tại đây:
Công văn 6777/TCHQ-GSQL ngày 21/10/2020
Giấy chứng nhận xuất xứ và chính sách đối với mặt hàng máy in