Cục Thuế TP Hà Nội nhận được công văn của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt hỏi về viết tắt ở phần địa chỉ trên hóa đơn, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:
- Căn cứ Điểm b, Khoản 7, Điều 3 Thông tư số 26/2015/TT-BTC sửa đổi, bổ sun điểm b Khoản 2 Điều 16 Thông tư số 39/2014/TT-BTC về hóa đơn như sau:
“b) Tiêu thức “Tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán”, “tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua”
Người bán phải ghi đúng tiêu thức “mã số thuế” của người mua và người bán.
Tiêu thức “tên, địa chỉ” của người bán, người mua phải viết đầy đủ, trường hợp viết tắt thì phải đảm bảo xác định đúng người mua, người bán.
Trường hợp tên, địa chỉ người mua quá dài, trên hóa đơn người bán được viết ngắn gọn một số danh từ thông dụng như: “Phường” thành “P”; “Quận” thành “Q”, “Thành phố” thành “TP”, “Việt Nam” thành “VN” hoặc “Cổ phần” là “CP”, Trách nhiệm Hữu hạn” thành “TNHH”, “khu công nghiệp” thành “KCN”, “sản xuất” thành “SX”, “Chi nhánh” thành “CN” ... nhưng phải đảm bảo đầy đủ số nhà, tên đường phố, phường, xã, quận, huyện, thành phố, xác định được chính xác tên, địa chỉ doanh nghiệp và phù hợp với đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế của doanh nghiệp.
Trường hợp tổ chức bán hàng có đơn vị trực thuộc có mã số thuế trực tiếp bán hàng thì ghi tên, địa chỉ, mã số thuế của đơn vị trực thuộc. Trường hợp đơn vị trực thuộc không có mã số thuế thì ghi mã số thuế của trụ sở chính
Trường hợp khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ 200.000 đồng trở lên mỗi lần, người mua không lấy hóa đơn hoặc không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế (nếu có) thì vẫn phải lập hóa đơn và ghi rõ “người mua không lấy hóa đơn” hoặc “người mua không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế.
Riêng đối với các đơn vị bán lẻ xăng dầu, nếu người mua không yêu cầu lấy hóa đơn, cuối ngày đơn vị phải lập chung một hóa đơn cho tổng doanh thu người mua không lấy hóa đơn phát sinh trong ngày.
Trường hợp hóa đơn đã lập có sai sót về tên, địa chỉ người mua nhưng ghi đúng mã số thuế người mua thì các bên lập biên bản điều chỉnh và không phải lập hóa đơn điều chỉnh. Các trường hợp hóa đơn đã lập có sai sót khác thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 20 Thông tư số 39/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính.”
Căn cứ quy định nêu trên, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:
Trường hợp Ngân hàng có tên, địa chỉ trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp quá dài gây khó khăn trong việc hiển thị đầy đủ trên các hóa đơn đầu vào, hóa đơn đầu ra thì đơn vị được viết ngắn gọn một số danh từ thông dụng đảm bảo đúng, đầy đủ và phù hợp với đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế của doanh nghiệp và vẫn xác định được đúng tên, địa chỉ của người mua và tên, địa chỉ của người bán; các tiêu thức khác trên hóa đơn vẫn đảm bảo đủ, đúng theo quy định thì được coi là hóa đơn hợp lệ để sử dụng kê khai, hạch toán theo quy định tại Điểm b Khoản 7 Điều 3 Thông tư số 26/2015/TT-BTC.
Tải về tại đây:
Công văn 82634/CT-TTHT ngày 11/09/2020
Viết tắt địa chỉ doanh nghiệp