Tổng cục Thuế nhận được công văn của Cục Thuế tỉnh Quảng Trị về việc vướng mắc triển khai thực hiện Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội. Về việc này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
- Điều 1 Nghị quyết số 94/2019/QH14 về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước:
“Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị quyết này quy định về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp (sau đây gọi chung là xử lý nợ) đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, bao gồm tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan phát sinh trước ngày Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực thi hành.”
- Khoản 4 Điều 206 Luật doanh nghiệp số 68/2014/QH13 quy định:
“Điều 206. Chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện
4. Doanh nghiệp có chi nhánh đã chấm dứt hoạt động chịu trách nhiệm thực hiện các hợp đồng, thanh toán các khoản nợ, gồm cả nợ thuế của chi nhánh và tiếp tục sử dụng lao động hoặc giải quyết đủ quyền lợi hợp pháp cho người lao động đã làm việc tại chi nhánh theo quy định của pháp luật.”
- Điểm a Khoản 2 Điều 41 Thông tư số 156/2013/TT-BTC hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế quy định:
“Điều 41. Hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động
2. Trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ thuế trong trường hợp người nộp thuế chấm dứt hoạt động không thực hiện thủ tục giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật.
a) Doanh nghiệp chấm dứt hoạt động không theo thủ tục giải thể, phá sản doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ tịch hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn, chủ tịch hội đồng quản trị của công ty cổ phần, trưởng ban quản trị của hợp tác xã chịu trách nhiệm nộp phần thuế nợ còn lại.”
- Điểm a Khoản 1 Điều 48 Thông tư số 156/2013/TT-BTC hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế quy định:
“Điều 48. Xoá nợ tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt (sau đây gọi tắt là tiền thuế)
1. Trường hợp được xoá nợ tiền thuế
a) Doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản đã thực hiện các khoản thanh toán theo quy định của pháp luật phá sản mà không còn tiền, tài sản để nộp tiền thuế.”
Căn cứ các quy định nêu trên: Công ty cổ phần may và thương mại Quảng Trị và Chi nhánh Công ty cổ phần may và thương mại Quảng Trị - Xí nghiệp may Lao Bảo đã bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trường hợp doanh nghiệp chấm dứt hoạt động không theo thủ tục giải thể, phá sản, chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì chủ tịch hội đồng quản trị tức ông Lê Bá Sơn chịu trách nhiệm nộp phần thuế nợ còn lại. Theo hồ sơ, Công ty cổ phần may và thương mại Quảng Trị mới nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Tòa án chưa có Thông báo thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Vì vậy, Công ty cổ phần may và thương mại Quảng Trị và Chi nhánh Công ty cổ phần may và thương mại Quảng Trị - Xí nghiệp may Lao Bảo không thuộc đối tượng được xử lý nợ theo Nghị quyết 94/2019/QH14 của Quốc hội và Thông tư số 69/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính. Trường hợp Công ty cổ phần may và thương mại Quảng Trị đang thực hiện các thủ tục phá sản doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, khi doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản đã thực hiện các khoản thanh toán theo quy định của pháp luật phá sản mà không còn tiền, tài sản để nộp tiền thuế thì doanh nghiệp thuộc đối tượng được xem xét, xử lý xóa nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp.
Tải về tại đây:
Công văn 561/TCT-QLN ngày 05/03/2021
Xử lý vướng mắc khi thực hiện Nghị quyết 94/2019/QH14