PV. Thưa Tổng cục trưởng, 2021 tiếp tục là một năm nhiều sóng gió với nền kinh tế xã hội. Trong nỗ lực chung của toàn hệ thống chính trị để thiết lập trạng thái bình thường mới, các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí đã thực sự phát huy tác dụng, mang lại hiệu quả thiết thực giúp người dân, DN nhanh chóng phục hồi và dần ổn định hoạt động. Với vai trò là cơ quan chủ trì tham mưu và tổ chức thực hiện các chính sách này, Tổng cục Thuế đã triển khai nhiệm vụ như thế nào?
Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn: 2021 là năm thứ 2 nền kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng bị tác động bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, bằng những chính sách kịp thời hỗ trợ người dân, DN, cũng như các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, nền kinh tế đã phục hồi nhanh chóng, góp phần giúp ngành Thuế hoàn thành tốt nhiệm vụ thu ngân sách.
Cụ thể trong năm, chủ động và linh hoạt ứng phó với những ảnh hưởng tiêu cực do dịch bệnh gây ra, Tổng cục Thuế đã nghiên cứu, trình Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN và tiền thuê đất trong năm 2021 với tổng số tiền ước khoảng 92,9 ngàn tỷ đồng, gia hạn thuế TTĐB cho xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo Nghị định 104/2021/NĐ-CP khoảng 4 ngàn tỷ đồng. Cùng với giải pháp gia hạn thuế, Tổng cục Thuế còn tham mưu với Bộ Tài chính ban hành, trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành một loạt giải pháp miễn, giảm thuế, phí.
Theo đó, tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết ngày 31/12/2021; tiếp tục giảm mức thu hơn 30 khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19; giảm tiền thuê đất của năm 2021 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 và Nghị định số 92/2021/NĐ-CP miễn, giảm thuế TNDN, GTGT, TNCN, tiền chậm nộp đối với một số trường hợp, lĩnh vực chịu tác động của dịch bệnh. Cùng với đó, tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2021/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của DN, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, áp dụng trong năm 2020 và 2021.
Ngoài ra, Tổng cục Thuế còn ban hành Công văn số 4110/TCT-DNNCN hướng dẫn về chính sách thuế đối với các khoản chi phí liên quan đến dịch Covid-19. Ước tính, tổng số thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được miễn, giảm trong năm 2021 khoảng 31,6 ngàn tỷ đồng. Cùng với đó, cơ quan thuế đã thưc̣ hiện hoàn thuế GTGT kịp thời, đúng đối tượng, đúng quy đinh, góp phần tháo gỡ khó khăn về tài chính, giúp DN có dòng tiền để hồi phục sản xuất kinh doanh và thực hiện tốt nghĩa vụ kê khai, nộp thuế.
PV. Triển khai các chính sách gia hạn, miễn giảm thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ kịp thời cho người dân, DN, trong khi vẫn phải đảm bảo tiến độ thu NSNN để phục vụ nhu cầu chi của đất nước, nhất là chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và thực hiện các kế hoạch an sinh xã hội. Trên thực tế, đây là 2 mệnh đề rất khó tương tác, vậy Tổng cục Thuế đã có phương án xử lý ra sao để cân bằng và hoàn thành tốt các mục tiêu nhiệm vụ?
Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn: Năm 2021 ngành Thuế triển khai nhiệm vụ trong bối cảnh tình hình sản xuất kinh doanh chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Cùng lúc, toàn ngành tiếp tục thực hiện các chính sách của Quốc hội, Chính phủ về hỗ trợ người dân, DN gặp khó khăn do dịch bệnh. Xác định tình hình sản xuất kinh doanh có khởi sắc trở lại thì mới có nguồn thu ổn định, toàn Ngành đã nỗ lực triển khai các giải pháp hỗ trợ để cộng đồng DN nhanh chóng phục hồi hoạt động. Đồng thời, chủ động phân tích nguồn thu, phân vùng các nhóm lĩnh vực, ngành nghề theo 2 hướng bị ảnh hưởng, hoặc có cơ hội phát triển để có biện pháp quản lý phù hợp, hiệu quả. Quan trọng hơn, trên cơ sở bám sát diễn biến dịch bệnh, ngành Thuế đã có những hành động quyết liệt, kịp thời để triển khai nhiệm vụ thu một cách tốt nhất.
Trong đợt dịch lần thứ 4, ngay khi diễn biến dịch phức tạp làm suy giảm nghiêm trọng số thu NSNN, Tổng cục Thuế đã tổ chức các cuộc làm việc với các cục thuế lớn, có tỷ trọng số thu cao để chỉ đạo triển khai các giải pháp tăng cường công tác quản lý, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp khai thác nguồn thu còn tiềm năng, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc và đôn đốc người nộp thuế nộp đúng, đủ vào NSNN. Theo đó, các cục thuế đã có sự điều chỉnh linh hoạt các giải pháp quản lý và chống thất thu thuế, nỗ lực hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. Nhiều cơ quan thuế nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh đã phấn đấu thực hiện vượt dự toán.
Bên cạnh đó, để bù đắp các khoản hụt thu, cơ quan thuế đã đẩy mạnh khai thác nguồn thu mới, nhiều tiềm năng, như thu từ thương mại điện tử, giao dịch xuyên biên giới, các ngành, lĩnh vực có sự gia tăng đột biến... Cùng với đó, các biện pháp thu hồi nợ thuế cũng được điều hành nhịp nhàng trên tinh thần quyết liệt. Công tác đôn đốc, nhắc nhở người nộp thuế nộp các khoản được gia hạn vào NSNN sau khi hết thời gian gia hạn cũng được tiến hành khẩn trương. Ngoài ra, sự đổi mới trong công tác thanh kiểm tra theo hướng giảm thanh tra tại trụ sở người nộp thuế, tăng kiểm tra tại cơ quan thuế, kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin đã mang lại hiệu quả rõ rệt.
Sự thay đổi này nhận được hiệu ứng tích cực cả từ cơ quan thuế và người nộp thuế, vừa giúp tăng thu ngân sách, vừa mang lại sự chuyên nghiệp trong nghiệp vụ thanh kiểm tra. Có thể nói, sự đồng lòng và quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống đã giúp ngành Thuế vượt qua mọi thử thách, đạt được kết quả thu ngân sách ấn tượng. Tổng thu NSNN năm 2021 do Tổng cục Thuế thực hiện ước đạt 1.294.000 tỷ đồng, bằng 115,9% dự toán (tương ứng vượt 177.300 tỷ đồng). Trong đó, có 60/63 cục thuế hoàn thành và hoàn thành vượt dự toán, 14/19 khoản thu, sắc thuế hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán.

Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn và đại diện lãnh đạo các đơn vị tại Lễ khai trương Trung tâm điều hành HĐĐT. Ảnh: Internet.
PV. Cùng với thành tích nổi bật trong thực hiện dự toán thu NSNN, năm qua ngành Thuế còn ghi thêm những dấu ấn về cải cách hành chính và điện tử hóa, số hoá công tác quản lý, mang lại rất nhiều tiện ích cho người nộp thuế và cộng đồng. Tổng cục trưởng có thể cho biết cụ thể hơn về những nỗ lực này của toàn Ngành?
Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn: Ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình quản lý là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Thuế. Bởi điện tử hoá, số hoá công tác quản lý sẽ góp phần xây dựng diện mạo ngành Thuế hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả. Tôn chỉ theo mục tiêu này, toàn ngành đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử hóa toàn bộ quy trình quản lý người nộp thuế từ khâu đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế, đến hoàn thuế.
Đến nay, việc tiếp nhận và giải quyết các hồ sơ của người nộp thuế đã được thực hiện tập trung và tự động. 100% các giao dịch được truyền nhận điện tử theo cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan đăng ký kinh doanh; 99,9% DN sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử; 99% DN nộp thuế điện tử và gần 98% số DN hoàn thuế tham gia hoàn thuế điện tử. Cùng với đó, công nghệ thông tin đã được ứng dụng xuyên suốt trong công tác thanh kiểm tra, quản lý nợ thuế và tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, khi đã tạo thuận lợi cho người dân và DN thực hiện nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách mà không phải trực tiếp đến cơ quan thuế. Ngành Thuế hoàn thành sớm chỉ tiêu triển khai HĐĐT giai đoạn 1.
Trong nỗ lực đẩy mạnh hiện đại hóa công tác thuế theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ, năm 2021, cùng với việc triển khai thành công thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai qua Cổng dịch vụ công Quốc gia, ngành Thuế đã ra mắt ứng dụng thuế điện tử dành cho thiết bị di động (eTax mobile).
Ngoài ra, Ngành tiếp tục đẩy mạnh các dịch vụ thuế điện tử dành cho cá nhân như khai, nộp thuế điện tử đối với cá nhân cho thuê nhà; khai, nộp lệ phí trước bạ điện tử ôtô, xe máy. Đặc biệt, với nhiệm vụ trọng tâm là triển khai hệ thống hoá đơn điện tử (HĐĐT), tính đến 09h00 ngày 21/12/2021, tức là sau đúng 1 tháng kích hoạt hệ thống, số lượng người nộp thuế đã đăng ký sử dụng HĐĐT là 263.182 DN, chiếm 71% tổng số DN, tổ chức kinh tế của 6 tỉnh, thành phố thuộc lộ trình áp dụng HĐĐT giai đoạn 1.
Trong đó, Cục Thuế Quảng Ninh có tỷ trọng số lượng người nộp thuế đăng ký sử dụng HĐĐT đạt cao nhất là 98%. Cục Thuế Hà Nội với số lượng người nộp thuế đông nhất nhì cả nước, nhưng tỷ lệ số lượng tổ chức, cá nhân đã đăng ký sử dụng HĐĐT cũng đạt trên 90%... Như vậy, ngành Thuế đã hoàn thành sớm trước hạn theo lộ trình kế hoạch đã được Bộ Tài chính đề ra.
PV. Với những kết quả toàn diện trên mọi mặt công tác trong năm 2021, xin Tổng cục trưởng cho biết, ngành Thuế sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp gì để hoàn thành nhiệm vụ chính trị và ghi thêm thành tựu mới trong thời gian tới?
Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn: Tại kỳ họp cuối năm 2021, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự toán thu NSNN nội địa năm 2022 là 1.174.900 tỷ đồng, trong đó thu từ dầu thô 28.200 tỷ đồng và thu nội địa 1.146.700 tỷ đồng. Với dự báo trong thời gian tới, tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, trong khi dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, thì nhiệm vụ của ngành Thuế sẽ càng nặng nề. Nhằm đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, toàn ngành Thuế tiếp tục bám sát chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Tài chính để chủ động triển khai chương trình hành động thực hiện dự toán NSNN năm 2022. Theo đó, tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, đồng thời đánh giá, tổng hợp kết quả để nghiên cứu, trình Chính phủ, trình Quốc hội các giải pháp hỗ trợ người dân và DN đẩy nhanh tốc độ hồi phục hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2022 và những năm tiếp theo, tạo nguồn thu bền vững cho NSNN.
Trên toàn hệ thống, cơ quan thuế sẽ triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý, theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, đánh giá, phân tích chi tiết theo từng địa bàn, khu vực, sắc thuế. Qua đó, một mặt xác định các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu để kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả; mặt khác tham mưu kịp thời cho Bộ Tài chính, Chính phủ trong điều hành, cân đối NSNN, đáp ứng việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong điều kiện “bình thường mới” và đảm bảo nguồn lực cho phòng chống dịch bệnh.
Trong nỗ lực tạo thuận lợi tốt nhất cho người nộp thuế, toàn ngành tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ thông qua việc đổi mới phương thức, phát triển đa dạng, phong phú các hình thức tiếp cận. Cùng với đó, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử. Đồng thời, tập trung nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật và ứng dụng về HĐĐT, bảo đảm dữ liệu chính xác, thống nhất, an toàn, đảm bảo đáp ứng và phục vụ tốt nhất việc triển khai áp dụng HĐĐT trên phạm vi toàn quốc theo quy định tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP.
Cũng trong năm 2022, bên cạnh việc tập trung triển khai Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021-2030, toàn ngành sẽ tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là về năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, kỷ luật, kỷ cương công vụ, đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới và phục vụ ngày càng tốt hơn cho cộng đồng DN. Dù nhiệm vụ trong năm 2022 tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức, nhưng với tinh thần đoàn kết, quyết tâm, thống nhất ý chí cao độ đã trở thành truyền thống của Ngành, tôi tin tưởng toàn hệ thống thuế sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Sự đồng lòng, quyết tâm giúp ngành Thuế hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ