Thông qua công tác nghiên cứu, đánh giá và thống kê về tình trạng hoạt động của DN, Tổng cục Thuế nhận thấy, trong 02 tháng đầu năm 2022, có 20.110 DN thành lập mới, tăng 1.668 DN (9,04%) so với cùng kỳ năm 2021; có 17.443 DN chấm dứt kinh doanh, tăng 5.014 DN (40,34%) so với cùng kỳ; có 31.750 DN tạm ngừng kinh doanh, tăng 10.289 DN (47,94%) so với cùng kỳ; có 10.035 DN khôi phục kinh doanh, tăng 176 DN (1,79%) so với cùng kỳ. Đến thời điểm 19/02/2022, toàn quốc có 852.081 DN đang kinh doanh, giảm 2.114 DN (0,25%) so với thời điểm ngày 31/12/2021.
Về kết quả thực hiện nhiệm vụ thu NSNN
Kết quả thực hiện thu NSNN do ngành Thuế quản lý 2 tháng đầu năm 2022 đạt được như sau:
Ước thực hiện thu NSNN tháng 2/2022: Tổng thu NSNN tháng 2/2022 do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 118.000 tỷ đồng, đạt 10,0% so với dự toán pháp lệnh, bằng 132,0% so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể:
Thu từ dầu thô ước đạt 4.900 tỷ đồng, bằng 17,4% so với dự toán, bằng 201,6% so với cùng kỳ năm 2021 trên cơ sở sản lượng ước đạt 700 ngàn tấn (tăng 15,9% cùng kỳ), giá dầu thô dự báo 90,3 USD/thùng (bằng 160,1% cùng kỳ).
Thu nội địa ước đạt 113.100 tỷ đồng, bằng 9,9% so với dự toán pháp lệnh, bằng 130,1% so với cùng kỳ. Số thu thuế, phí nội địa ước đạt 88.900 tỷ đồng, bằng 9,7% so với dự toán pháp lệnh, bằng 125,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Thu NSNN tháng 2/2022 tăng khá so cùng kỳ chủ yếu do tháng 1/2022 là tháng trước tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao sau đợt giãn cách kéo dài trong quý III, quý IV năm 2021. Bên cạnh đó, do thời gian nghỉ tết từ 28/1/2022 kéo dài đến 6/2/2022, một số nguồn thu phát sinh cuối tháng 1/2022 chuyển nộp trong tháng 2/2022.
Thu NSNN lũy kế 2 tháng: Tổng thu NSNN lũy kế 02 tháng 2022 do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 276.664 tỷ đồng, bằng 23,5% so với dự toán pháp lệnh, bằng 107,7 % so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể:
Thu từ dầu thô ước đạt 8.060 tỷ đồng, bằng 28,6% so với dự toán, bằng 157,2% so với cùng kỳ trên cơ sở giá dầu thô bình quân ước đạt 83 USD/thùng, bằng 138,3% so với giá dự toán, bằng 159,7% so với cùng kỳ, sản lượng ước đạt 1,3 triệu tấn, bằng 18,6% dự toán, bằng 91,1% so với sản lượng cùng kỳ.
Thu nội địa ước đạt 268.605 tỷ đồng, bằng 23,4% so với dự toán pháp lệnh, bằng 106,7% so với cùng kỳ năm 2021. Số thu thuế, phí nội địa ước đạt 213.999 tỷ đồng, bằng 23,4% so với dự toán pháp lệnh, bằng 103,0% so với cùng kỳ năm 2021.
Kết quả công tác thanh tra kiểm tra thuế: Lũy kế năm 2022 (tính đến 15/02/2022), toàn ngành Thuế đã thực hiện được 3.774 cuộc thanh kiểm tra, đạt 5,1% kế hoạch (3.774 DN/73.869 DN), bằng 110,6% so cùng kỳ; Kiểm tra được 25.767 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế, bằng 156,2% so cùng kỳ. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 3.485 tỷ, bằng 103% so cùng kỳ, trong đó: Tổng số thuế, phạt, chậm nộp tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 849 tỷ; giảm khấu trừ 130 tỷ; giảm lỗ 2.506 tỷ.
Trong đó, về kết quả thanh tra, đã thực hiện thanh tra 213 DN, đạt 3,9% kế hoạch (213 DN/5.399 DN). Tổng số truy thu, truy hoàn, phạt là 246 tỷ (trong đó: truy thu 171 tỷ, truy hoàn 1,1 tỷ, phạt 73,7 tỷ); giảm khấu trừ 33,3 tỷ; giảm lỗ 398,4 tỷ; Kết quả kiểm tra: Đã thực hiện kiểm tra 3.561 DN, đạt 5,2% kế hoạch (3.561 DN/68.470 DN). Tổng số truy thu, truy hoàn, phạt là 569 tỷ (trong đó: truy thu là 386 tỷ, truy hoàn 1 tỷ, phạt 182 tỷ); giảm khấu trừ 95 tỷ; giảm lỗ 2.107 tỷ.
Chánh Văn phòng Tổng cục Thuế Đoàn Xuân Toản báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Internet.
Một số nguyên nhân chủ yếu tác động đến kết quả thu
Về kinh tế thu ngân sách 2 tháng đầu năm 2022 đạt khá do tình hình dịch bệnh trên cả nước tiếp tục được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh có sự hồi phục tốt. Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã và đang phát huy tác dụng tốt, số DN quay trở lại hoạt động trong tháng 1/2022 tăng 195% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành có đóng góp lớn cho ngân sách có sự tăng trưởng khá so với cùng kỳ như: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,8%; sản xuất thiết bị điện tăng 11,5%; Sản xuất trang phục tăng 11,4%; khai thác quặng kim loại tăng 21,9%...
Kim ngạch xuất khẩu tăng 1,6%, trong đó sản phẩm trọng điểm là thủy sản (tăng 42,9%), cà phê (tăng 40,9%), dệt may (tăng 24,2%)... Bên cạnh đó, do cầu tiêu dùng trong nước trong những tháng cuối năm 2021 và tháng 1/2022 tăng cao trước dịp Tết nguyên đán (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2022 tăng 1,3%), số DN đăng ký thành lập mới trong tháng 1/2022 tăng 28,9% về số DN và tăng 24% về số vốn đăng ký; Vốn đầu tư từ nguồn NSNN trong tháng 1/2022 tăng 8,6% so với cùng kỳ; Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam tháng 01/2022 tăng 6,8% so với cùng kỳ... là tiền đề góp phần vào kết quả thu NS tháng 1 và tháng 2/2022 đạt khá.
Về cơ chế, chính sách, ngành Thuế tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15: giảm 30% tiền thuế GTGT tháng 11 và tháng 12 năm 2021 cho một số ngành bị ảnh hưởng nặng do Covid-19; giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2021 đối với trường hợp người nộp thuế theo quy định của Luật Thuế TNDN có doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và giảm so với doanh thu năm 2019; miễn thuế quý 3, quý 4 đối với hộ, cá nhân kinh doanh đã tác động làm giảm thu NSNN trong những tháng đầu năm 2022.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện Nghị định số 103/2021/NĐ-CP giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước kể từ ngày 1/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022 ước tính làm giảm thu LPTB trong 2 tháng đầu năm khoảng 4.000 tỷ. Tuy nhiên, việc giảm lệ phí trước bạ khiến lượng xe tiêu thụ tăng khá, gián tiếp làm tăng thu thuế TTĐB.
Trong đó, một số chính sách mới được ban hành và có hiệu lực trong năm 2022. Cụ thể như:
Một là, giảm thuế suất thuế GTGT từ 10% xuống 8% đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ về việc quy định chính sách miễn, giảm thuế theo nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, áp dụng từ 01/02/2022 đến 31/12/2022 (tạm thời chưa đánh giá được tác động do chưa đến thời hạn kê khai thuế GTGT phát sinh tháng 2/2022 và quý 1/2022).
Hai là, giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2022, ước tính làm giảm thu NSNN trong 2 tháng đầu năm khoảng 206 tỷ đồng.
Ba là, giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo quy định tại Thông tư số 120/2021/TT-BTC ngày 24/12/2021, có hiệu lực từ 01/01/2022 đến 30/6/2022.
Đồng thời, về công tác quản lý, Tổng cục Thuế tập trung chỉ đạo Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Cục Thuế DN lớn tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ thu NSNN năm 2022 theo đúng quy định của Luật NSNN, Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn để tổ chức thực hiện dự toán thu NSNN.
Về công tác hiện đại hóa, số hóa công tác quản lý thuế
Tại hội nghị giao ban trực tuyến được Tổng cục Thuế tổ chức chiều ngày 02/03, Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn đề nghị các cơ quan thuế phát huy kết quả đạt được trong 2 tháng đầu năm 2022 tiếp tục tổ chức triển khai công tác thu ngân sách theo đúng kế hoạch. Đồng thời, ngànhThuế phát động các phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN được giao ngay từ những ngày đầu năm.
Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn yêu cầu cơ quan thuế các cấp rà soát lại toàn bộ các nguồn thu trên địa bàn để đăng ký mức phấn đấu tăng thu năm 2022 so với số dự toán đã được Chính phủ, HĐND, UBND giao, đảm bảo hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu NSNN năm 2022 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 01/2022/NQ-CP; thực hiện các kế hoạch thành tra, kiểm tra nhằm giảm số tiền nợ thuế trên tổng số thu NSNN năm 2022, đẩy mạnh áp dụng các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế theo đúng quy định của Luật quản lý thuế và các văn bản thi hành, động viên kịp thời nguồn lực cho NSNN.
Một là, về nộp thuế điện tử: Ngành Thuế đã phối hợp với 55 Ngân hàng Thương mại (đã hoàn thành kết nối nộp thuế điện tử với Tổng cục Thuế) và 63 Cục Thuế triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử và tuyên truyền, vận động DN tham gia sử dụng dịch vụ. Tính đến ngày 18/02/2021, kết quả đạt được cụ thể như sau:
Số lượng DN đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ với cơ quan thuế là 843.663 DN trên tổng số 852.081 DN đang hoạt động, đạt tỷ lệ 99%.
Số lượng DN hoàn thành đăng ký dịch vụ với ngân hàng là 841.643 DN trên tổng số 852.081 DN đang hoạt động, đạt tỷ lệ 98,8%. Từ ngày 01/01/2022 đến ngày 18/02/2022, các DN đã nộp tiền thuế thông qua 1.012.520 giao dịch nộp thuế điện tử với số tiền là trên 122.684 tỷ đồng và 5.870.482 USD.
Đối với dịch vụ nộp thuế điện tử dành cho cá nhân, Tổng cục Thuế đã kết nối với 07 Ngân hàng thương mại (VietcomBank, VietinBank, AgriBank, MBBank, VPBank, BIDV, TPBank) để cung cấp dịch vụ nộp thuế điện tử cho cá nhân. Theo đó, cá nhân có thể sử dụng các hình thức nộp thuế điện tử qua các kênh thanh toán của Ngân hàng như InternetBanking, Mobile banking…
Tính từ ngày 01/01/2022 đến ngày 18/02/2022, đã có 53.284 giao dịch nộp lệ phí trước bạ ô tô, xe máy trên cả nước qua hình thức iBanking và Mobile banking, chiếm 5,9% trên tổng số 903.378 giao dịch lệ phí trước bạ ô tô, xe máy cả nước.
Hai là, về triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử eTax Mobile: Ngày 14/12/2021, Tổng cục Thuế ban hành công văn số 4899/TCT-CNTT về việc Triển khai ứng dụng Thuế điện tử cho thiết bị di động (eTax Mobile 1.0).
Tính từ ngày 01/01/2022 đến ngày 18/02/2022, tổng số lượng NNT sử dụng ứng dụng eTax Mobile là 9.418 NNT, số lượng NNT đăng ký tài khoản qua app là 13.183 NNT, số giao dịch nộp thuế qua app là 1.793 giao dịch với tổng số tiền trên 4,5 tỷ.
Ba là, triển khai dịch vụ hoàn thuế điện tử: Tính từ ngày 01/01/2022 đến 18/02/2022, tổng số DN tham gia hoàn thuế điện tử là 2.411 trên tổng số 2.432 DN hoàn thuế, đạt 99,1%; Số hồ sơ tiếp nhận điện tử là 2.886 hồ sơ trên tổng số 2.915 hồ sơ, đạt tỷ lệ 99%; Tổng số hồ sơ hệ thống đã giải quyết hoàn là 1.567 hồ sơ với tổng số tiền đã giải quyết hoàn là hơn 10.353 tỷ đồng.
Bốn là, triển khai hóa đơn điện tử (HĐĐT):
Triển khai Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ; căn cứ các Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc triển khai áp dụng HĐĐT tại 6 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Định, Phú Thọ, Tổng cục Thuế đã ban hành Quyết định số 1417/QĐ-TCT ngày 27/09/2021 về kế hoạch triển khai áp dụng hóa đơn điện tử tại 06 tỉnh, thành phố và công bố triển khai HĐĐT tại Tổng cục Thuế và 06 Cục Thuế nêu trên.
Theo đó, hệ thống 07 Trung tâm điều hành triển khai HĐĐT tại Tổng cục Thuế và 06 Cục Thuế đã và đang vận hành, hoạt động thông suốt, được bố trí đường dây nóng và cán bộ trực hỗ trợ trong và ngoài giờ hành chính để đảm bảo trao đổi thường xuyên, kịp thời giải đáp, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai HĐĐT. Đến nay, đã có trên 489.000 DN đăng ký và sử dụng HĐĐT theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.
Để tiếp tục triển khai HĐĐT giai đoạn 2, Tổng cục Thuế đã trình Bộ tại tờ trình số 591/TTr-TCT ngày 15/02/2022 về kế hoạch triển khai. Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 206/QĐ-BTC ngày 24/02/2022 về việc triển khai áp dụng HĐĐT tại 57 tỉnh, thành phố và có công văn số 1799/BTC-TCT ngày 24/02/2022 gửi đồng chí Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực trực thuộc Trung ương về việc triển khai phối hợp áp dụng HĐĐT tại 57 tỉnh, thành phố.
Căn cứ Quyết định của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đang gấp rút triển khai các công việc cụ thể như: triển khai hạ tầng kỹ thuật CNTT phục vụ triển khai mở rộng trên toàn quốc; ban hành Quyết định kế hoạch chi tiết triển khai áp dụng HĐĐT tại 57 tỉnh, thành phố; kiện toàn nhân sự Ban Chỉ đạo, Tổ thường trực triển khai HĐĐT tại Tổng cục Thuế và 57 Cục Thuế địa phương; hoàn thiện thể chế chính sách, quy trình nghiệp vụ HĐĐT; tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho NTT và cơ quan thuế; giám sát thực hiện và các công tác chuẩn bị hoàn thành để có thể triển khai trên toàn quốc từ tháng 04/2022.
Sự đồng lòng, quyết tâm giúp ngành Thuế hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ