Trong giai đoạn 2014-2020, Việt Nam liên tục tăng hạng trong bảng xếp
hạng Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc, từ vị trí 99 lên vị trí 86.
Kết quả này đã cho thấy những nỗ lực rất lớn trong việc phát triển Chính
phủ điện tử của Việt Nam. Báo Hải quan đã trao đổi với ông Ngô Hải
Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính – Văn phòng Chính phủ
về tình hình triển khai Cổng dịch vụ công quốc gia hướng tới xây dựng
Chính phủ điện tử.
Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính – Văn phòng Chính phủ.
Xin ông chia sẻ một số kết quả nổi bật đã đạt được trong việc xây dựng Chính phủ điện tử của Việt Nam?
- Trong những năm vừa qua, đặc biệt là giai đoạn 2018-2020, Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành địa phương, các chuyên gia trong nước, quốc tế, đặc biệt là các tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu trong nước như Viettel, FPT, VNPT đã quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về xây dựng Chính phủ điện tử là "nghĩ lớn, nhìn tổng thể, hành động nhanh và bắt đầu từ những việc cụ thể". Theo đó, rất nhiều hệ thống công nghệ thông tin nền tảng cho Chính phủ điện tử đã được xây dựng, đưa vào vận hành và đã mang lại kết quả tích cực.
Đơn cử như trục liên thông văn bản quốc gia đã kết nối 63 địa phương, 24 bộ ngành, các cơ quan thuộc Chính phủ, văn phòng Trung ương Đảng để gửi nhận Văn bản điện tử và từng bước xử lý hồ sơ trên môi trường điện tử. Sau 1 năm đưa vào vận hành đã có 2,5 triệu hồ sơ gửi trên văn bản điện tử qua trục liên thông văn bản quốc gia.
Hay như Cổng dịch vụ công quốc gia được vận hành ngày 9/12/2019, sau 9 tháng đi vào vận hành đã ghi nhận tín hiệu hết sức lạc quan về sự thành công trong cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân và DN. Hiện đã có 66 triệu lượt người truy cập, trên 17 triệu hồ sơ được đồng bộ lên Cổng. Đây là công cụ để chúng ta minh bạch hóa các kết quả giải quyết thủ tục hành chính để người dân, cơ quan Nhà nước có thể giám sát được quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Hiện Cổng dịch vụ công quốc gia đã kết nối được tới 63 địa phương, 18 bộ, ngành, qua đó hoàn thành việc tích hợp Cổng dịch vụ công quốc gia với Cổng dịch vụ công của các bộ, ngành và hệ thống thủ tục điện tử của các bộ, ngành địa phương.
Về thanh toán trực tuyến, đã có 42 địa phương, 7 bộ, ngành hoàn thành kết nối thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Hiện 38/46 ngân hàng, tổ chức tín dụng hiện diện tại Việt Nam có thể thanh toán trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Hệ thống đã xử lý 13.600 giao dịch.
Việc vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia đã giúp tiết kiệm chi phí xã hội 6.700 tỷ đồng/năm và con số này sẽ còn tiếp tục tăng lên. Bên cạnh đó, điều này còn tạo bước chuyển lớn trong giải quyết các mối quan hệ giữa Chính phủ với với các cơ quan trong hệ thống hành chính, giữa Chính phủ với người dân và Chính phủ với DN. Từ đó thúc đẩy triển khai Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số; góp phần thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ vừa phát triển kinh tế vừa hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến người dân và doanh nghiệp.
Với sự kết nối mạnh mẽ như vậy, hiện đã có bao nhiêu thủ tục hành chính có thể thực hiện được trên Cổng dịch vụ công quốc gia, thưa ông?
- Sau 9 tháng thực hiện, đến nay đã có 1.164 dịch vụ công trực tuyến trên tổng số 6.842 thủ tục hành chính thực hiện tại các cấp chính quyền. Tôi xin giải thích thêm về điều này, khi chúng ta thực hiện Cổng dịch vụ công quốc gia thì 1 thủ tục hành chính thực hiện tại 63 địa phương, 700 đơn vị cấp huyện và 10.000 đơn vị cấp xã cũng chỉ là 1 dịch vụ công trực tuyến. Ví dụ như đăng ký khai sinh là 1 dịch vụ công trực tuyến. Không thể tính cơ học theo cách địa phương có 1.500 thủ tục hành chính nhân với 63 địa phương thành mấy trăm nghìn dịch vụ công. Theo đó, ở phương diện quốc gia, chúng ta có 6.842 thủ tục hành chính, trong đó tại địa phương có từ 1.000 – 1.700 thủ tục và tại các bộ, ngành, trung ương có khoảng 3.000 – 4.000 thủ tục.
Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn đã có một số lượng rất lớn thủ tục hành chính được đưa lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Điều gì đã làm nên kết quả ấn tượng này, thưa ông?
- Để đạt được những thành tựu như trên phải kể đến hỗ trợ của các chuyên gia trong nước, quốc tế, đặc biệt là sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, Văn phòng Chính phủ có vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp đã kịp thời trình Chính phủ ban hành những thể chế quan trọng định hướng cho quá trình xây dựng Chính phủ điện tử.
Trong số các dịch vụ công đã được đưa lên Cổng, có những dịch vụ công rất quan trọng như thu phạt vi phạm hành chính, đăng ký phương tiện, cấp đổi giấy phép lái xe… Những dịch vụ công này liên quan tới rất nhiều cơ quan, như việc đăng ký phương tiện liên quan tới cơ quan Đăng kiểm, Hải quan, Thuế, Kho bạc, cảnh sát giao thông, ngân hàng và cả các DN cung ứng xe… Tất cả phải ngồi lại với nhau cùng bàn bạc để tìm ra giải pháp tối ưu. Trong đó, vai trò điều phối của “nhạc trưởng” tại các địa phương là rất quan trọng. Chính phủ đã quy định rất rõ, văn phòng UBND các tỉnh phải dẫn dắt vai trò cải cách, Sở Thông tin và Truyền thông dẫn dắt về công nghệ và kết nối kỹ thuật. Nếu không có sự gắn kết giữa các đơn vị thì không thể đạt được thành công.
Với những kết quả đã đạt được, thời gian tới chúng ta cần thực hiện những giải pháp gì tiếp theo để tiếp tục đạt được hiệu quả, thưa ông?
- Để triển khai dịch vụ công trực tuyến thành công cần phải lấy người dùng làm trung tâm, không nên chạy theo thành tích số lượng dịch vụ công. Đồng thời, cần tập trung ưu tiên cho những thủ tục hành chính có nhiều người sử dụng, tần suất lớn. Bên cạnh đó, cần tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính để thu hút người dân, doanh nghiệp tham gia. Ngoài ra, việc trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử cũng cần đẩy nhanh hơn nữa và thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính để người dân, DN có thể thực hiện các dịch vụ công cấp độ 4, không mất chi phí, thời gian để nộp hồ sơ giấy.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Tạp chí Hải quan
Dịch vụ công trực tuyến phải lấy người dùng làm trung tâm, không chạy theo thành tích