• 8:00 - 17:00 từ Thứ 2 đến Thứ 6 & 8:00 - 12:00 sáng Thứ 7
  • 1900-6154


Bộ Tài chính đối thoại với DN về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan

Ngày 26/11, Bộ Tài chính phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2019.
 
Tạo mọi điều kiện cho DN sản xuất kinh doanh
 
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết: trong thời qua, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp nhằm cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện ngày càng thuận lợi hơn cho các DN, các nhà đầu tư trong việc phát triển sản xuất kinh doanh. Theo đó về thể chế chính sách, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Quản lý thuế mới, trong đó có nhiều nội dung về cải cách TTHC cả về thuế cũng như hải quan. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 119 và ban hành Thông tư 68  hướng dẫn chi tiết về hóa đơn điện tử tạo cơ sở quan trọng để cải cách trong việc sử dụng, quản lý hóa đơn, chứng từ điện tử. Cơ quan thuế, hải quan đã tiếp tục triển khai ứng dụng CNTT trong quản lý thuế, hải quan. Đến nay đã có 99.87% DN kê khai thuế điện tử; 99.53% DN nộp thuế điện tử, 93.61% DN hoàn thuế điện tử; có 133/304 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 (cuối năm 2019 sẽ lên 188/304 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4). Hệ thống hải quan điện tử (VNACCS/VCIS) đã được triển khai ở 100% các đơn vị thuộc Tổng cục Hải quan. Cơ quan thuế, cơ quan hải quan đã thực hiện đồng bộ, thông suốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, người khai hải quan.
 
Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục sắp xếp, tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả theo tinh thần NQ số 18 của Hội nghị TW 6. Theo đó, đối với Tổng cục Thuế đã thực hiện hợp nhất 401 chi cục thuế thành 190 chi cục thuế khu vực (giảm 211 chi cục thuế). Đối với Tổng cục Hải quan đã giảm từ 174 Chi cục Hải quan xuống còn 162 chi cục. Bên cạnh đó, cơ quan thuế, cơ quan hải quan đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công vụ; giáo dục, bồi dưỡng cả về chuyên môn nghiệp vụ và thái độ, tinh thần phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức; nâng cao chất lượng, kết quả công tác thanh tra, kiểm tra. Nhờ đó, chỉ số nộp thuế của Việt Nam đã tăng 22 bậc, từ vị trí thứ 131 lên vị trí thứ 109 trong tổng số 190 quốc gia được đánh giá theo Báo cáo Môi trường kinh doanh toàn cầu – Doing Business 2020 do Ngân hàng Thế giới công bố. Chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp về cải cách thủ tục hành chính thuế năm 2019 là 78%, tăng 3% so với năm 2016.
 
Đánh giá về những cải cách của ngành tài chính, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh, thuế và hải quan có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, là nguồn thu chính của nhà nước và góp phần quan trọng trong việc tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi. Qua theo dõi, tổng hợp ý kiến của các đơn vị có thể thấy DN đánh giá cao những nỗ lực của ngành thuế, hải quan trong việc đồng hành, chia sẻ và có hướng dẫn về thủ tục để DN thực hiện đúng đồng thời kịp thời chỉnh sửa những lỗi mắc phải. Nhiều vấn đề DN phản ánh đã được lắng nghe, trao đổi và có hướng xử lý giải quyết mang đến sự an tâm lớn của cộng đồng DN. Ông Phòng cũng cho biết đây là hội nghị nghị lần thứ 14 được Bộ Tài chính và VCCI tổ chức nhằm lắng nghe ý kiến phản ảnh về khó khăn, vướng mắc của DN trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính thuế, hải quan nhằm hỗ trợ DN giảm bớt các thủ tục còn phiền hà, chồng chéo, góp phần  tạo không khí thông thoáng, thuận lợi trong môi trường kinh doanh.
 
Vẫn còn nhiều vướng mắc phát sinh
 
 Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực trong thực hiện các giải pháp tạo thuận lợi cho hoạt động của DN, song với thực tiễn đa dạng, sôi động và đổi mới nhanh chóng như hiện nay, thì việc áp dụng các quy định của chính sách và thủ tục hành chính về thuế và hải quan vào thực tiễn không tránh khỏi phát sinh vướng mắc, khó khăn. Cụ thể liên quan đến lĩnh vực thuế, Công ty CP thiết bị y tế Vinahancook cho biết, các mặt hàng của đơn vị nhập khẩu chủ yếu có thuế suất thuế GTGT là 10% và một số có thuế suất 5%. Tuy nhiên do là mặt hàng y tế nên thuế GTGT đầu ra chỉ có một mức thuế suất 5%. Số thuế đầu vào của DN luôn lớn hơn đầu ra nên DN càng phát triển kinh doanh số thuế GTGT bị tồn đọng càng lớn, đến nay đã lên tới trên 12,5 tỷ đồng. Do đó, đơn vị đề nghị Bộ Tài chính cần có giải pháp để sớm tháo gỡ khó khăn cho DN. Cùng liên quan đến thuế GTGT, Công ty CP dịch vụ vận tải Hòa Bình phản ánh, DN có mua 22 chiếc ôtô để kinh doanh vận tải ôtô buýt. Khi mua DN đã nộp thuế GTGT nhưng không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Sau hơn 1 năm kinh doanh thua lỗ DN phải bán toàn bộ số xe này thì cơ quan thuế yêu cầu phải kê khai và nộp thuế GTGT đối với toàn bộ khối tài sản này. DN cho rằng cùng một mặt hàng bị áp 2 lần thuế là không hợp lý và kiến nghị Bộ Tài chính-Tổng cục Thuế xem xét tháo gỡ bất cập này cho DN. Liên quan đến giao dịch liên kết, Công ty CP Nhất Vương phản ánh, trong quá trình bị thanh tra thuế, DN bị xác định bán sản phẩm dưới giá thành cho đơn vị liên kết và bị điều chỉnh tăng tỷ suất lợi nhuận gộp. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ của DN khác với đơn vị độc lập để so sánh nên DN băn khoăn việc điều chỉnh thuế chưa đúng với tinh thần Thông tư 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết.
 
Đối với lĩnh vực hải quan, Công ty Sendo Việt Nam có hỏi đơn vị hoạt động trong khu chế xuất, nguyên liệu đầu vào để sản xuất vừa có nguồn gốc nhập khẩu vừa có nguồn gốc trong nước. Vậy phế phẩm khi bán, DN có phải kê khai với những cơ quan nào, cần những thủ tục gì?
 
Công ty Nissen cũng cho biết đơn vị có sản phẩm phải bảo hành ở nước ngoài và DN đã làm thủ tục xuất khẩu tạm thời sau đó gửi công ty chuyển phát nhanh chuyển hàng. Tuy nhiên DN sơ suất không đính kèm tờ khai hải quan nên đơn vị chuyển phát nhanh đã không biết làm thủ tục hải quan để xuất thẳng hàng. Hiện nay sản phẩm đã được bảo hành và đã làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam nhưng đơn vị vẫn bị treo 3 tờ khai hải quan của sản phẩm này do đó đề nghị, Tổng cục Hải quan tháo gỡ vướng mắc cho DN. Ngay tại hội nghị, đại diện các vụ đơn vị của Tổng cục Thuế đã giải đáp thỏa đáng các vướng mắc của DN.
 
Phát biểu kết thúc hội nghị, Thứ trưởng Trần Xuân Hà nhấn mạnh, Bộ Tài chính luôn lắng nghe, chia sẻ những ý kiến đóng góp từ phía các DN để tiếp tục hoàn thiện chính sách, đồng thời sẵn sàng giải đáp các câu hỏi, vướng mắc của các DN, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính, chính sách thuế và hải quan, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của DN; qua đó góp phần thúc đẩy môi trường đầu tư kinh doanh chung. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong đó có thủ tục thuế và hải quan, chú trọng hiện đại hoá công tác quản lý thu thuế, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch trong việc thực hiện các nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước. Bộ Tài chính cũng mong muốn DN Việt Nam chủ động tận dụng tốt các cơ hội để đổi mới, nâng cao sức cạnh tranh và phát triển, đóng góp vào mục tiêu chung về phát triển kinh tế của đất nước./.