• 8:00 - 17:00 từ Thứ 2 đến Thứ 6 & 8:00 - 12:00 sáng Thứ 7
  • 1900-6154


Nhiều giải pháp tài chính trước mắt và lâu dài hỗ trợ người dân và DN

Cùng với các giải pháp trước mắt và lâu dài hỗ trợ người dân và DN như giãn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất, đề xuất chính sách ưu đãi thuế cho DN nhỏ và siêu nhỏ; cắt giảm nhiều loại phí và lệ phí; tăng cường tiết kiệm chi thường xuyên; cân đối nguồn lực hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch Covid-19; Bộ Tài chính còn xây dựng các kịch bản điều hành ngân sách… Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng với báo chí ngày 29/4.  


Giãn, giảm thuế, phí và lệ phí 

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, thực hiện Nghị quyết của Chính phủ và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ thời gian qua, Bộ Tài chính đã quyết liệt thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân và DN tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất do tác động của dịch Covid-19. Cụ thể, trình Chính phủ ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Theo đó, gia hạn 5 tháng nộp thuế GTGT, TNDN, TNCN và tiền thuê đất.

Theo thống kê sẽ có 740.000 DN, chiếm 98% tổng số DN đang hoạt động được hưởng lợi từ chính sách này, với số tiền được gia hạn khoảng 180.000 tỷ đồng. Cùng với đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và đã giải quyết  theo thẩm quyền miễn thuế nhập khẩu mặt hàng là vật tư và thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch. Trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 122/2016/NĐ-CP và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP và Nghị định số 134/2016/NĐ-CP về thuế xuất nhập khẩu tháo gỡ khó khăn cho DN hoạt động trong lĩnh vực da giày, dệt may, chế biến nông lâm thuỷ sản, cơ khí, công nghiệp phụ trợ ôtô. 

Song song với đó, Bộ Tài chính cũng đã đề xuất Chính phủ trình Quốc hội vào kỳ họp tới quyết định chính sách ưu đãi thuế TNDN cho DN nhỏ và siêu nhỏ áp dụng từ 1/7/2020. Đồng thời, cho phép miễn thuế TNDN trong 2 năm liên tục kể từ khi có thu nhập đối với DN nhỏ và siêu nhỏ được hình thành từ hộ kinh doanh. Nếu chính sách này được thông qua sẽ có 700.000 DN, chiếm khoảng 93% tổng số DN cả nước đang hoạt động được hưởng lợi, qua đó giảm nghĩa vụ nộp NSNN năm 2020 của DN khoảng 7.800 tỷ đồng.  

Bộ Tài chính cũng đã báo cáo Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nâng mức giảm trừ gia cảnh thuế TNCN. Nếu được thông qua sẽ có khoảng 6,8 triệu lượt người được hưởng lợi, trong đó có 1 triệu đối tượng không phát sinh thuế TNCN phải nộp năm 2020. Theo tính toán, tổng số thu nhập của người lao động được giữ lại tăng chi tiêu nếu điều chỉnh theo chính sách này khoảng 10.300 tỷ đồng.  

Cùng với các chính sách thuế, Bộ Tài chính cũng đã rà soát, cắt giảm miễn các loại phí và lệ phí như miễn lệ phí môn bài đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp và hộ kinh doanh, cá nhân thành lập mới…; giảm 70% mức thu lệ phí đăng ký DN; giảm 67% phí công bố thông tin DN; giảm 50-70% phí thẩm định cấp sửa đổi bổ sung giấy phép hoạt động bưu chính. Nhờ đó, người dân và DN sẽ được hưởng lợi khoảng 500 tỷ đồng. 

Dành 16.200 tỷ đồng phòng chống dịch Covid-19 

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, thời gian qua Bộ Tài chính cùng các ngành đã báo cáo Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dành 16.200 tỷ đồng để phòng chống dịch Covid-19, trong đó có 9.500 tỷ đồng của cả ngân sách trung ương và địa phương mua sắm trang thiết bị y tế, dự kiến thời gian tới tiếp tục tăng thêm đáp ứng yêu cầu tăng cường khả năng ứng phó đại dịch; dành 6.700 tỷ đồng chi ưu tiên phụ cấp cho các lực lượng tham gia phòng chống dịch, tiền ăn cách ly…  

Bộ Tài chính cũng đã báo cáo Chính phủ và thời gian tới đây sẽ báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dành 36.000 tỷ đồng NSNN thực hiện nghị quyết của Chính phủ hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho 6 nhóm đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất việc làm, thiếu việc làm, gặp khó khăn không đảm bảo cuộc sống tối thiểu, chịu ảnh hưởng của Covid-19, và cả một số đối tượng đang được bảo trợ ưu đãi.. 

Xây dựng kịch bản điều hành NSNN 

Hàng năm, ngay sau khi có Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch dự toán NSNN, Bộ Tài chính đều xây dựng các kịch bản để điều hành. Người đứng đầu Bộ Tài chính chia sẻ, trước diễn biến nhanh chóng và phức tạp của dịch bệnh Covid -19, Bộ Tài chính đã xây dựng kịch bản điều hành ngân sách.  

Cụ thể, cuối tháng 2 đã xây dựng kịch bản điều hành ngân sách theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tăng trưởng kinh tế ở mức 5,96%-6,25%. Và đến thời điểm này, khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục đưa ra kịch bản tăng trưởng kinh tế ở mức 5,3% cùng với giá dầu giảm sâu, khó khăn thu từ cổ phần hoá, thoái vốn…, cùng với những dự báo của các tổ chức tài chính quốc tế, Bộ Tài chính đang cập nhật để tiếp tục xây dựng các kịch bản ngân sách.

Nếu tình hình như thế xảy ra thì năm nay, thu NSNN sẽ khoảng 150.000 tỷ đồng, trong đó, trung ương giảm110.000 tỷ đồng và địa phương là 40.000 tỷ đồng. Nếu trường hợp GDP tăng trưởng thấp hơn nữa, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục cập nhật.  

Tăng cường tiết kiệm chi thường xuyên 

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, trước tình hình này, trong khi yêu cầu chi cho chống dịch tăng lên trước mắt, Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ yêu cầu các địa phương, bộ ngành tăng cường tiết kiệm chi thường xuyên. Trước hết, ngoài việc cắt giảm chi thường xuyên ngoài lương 10% theo dự toán được Quốc hội thông qua, thì tiếp tục cắt giảm thêm 10% nữa; cũng như tiết kiệm 50% công tác phí, nước ngoài; 30% kinh phí hội nghị hội thảo. 

Mặt khác, trên tinh thần chia sẻ trách nhiệm giữa trung ương và địa phương, trong kinh phí phòng chống dịch có phân bổ với địa phương, thì những địa phương có khả năng cân đối ngân sách cao phải chủ động. Riêng địa phương có cân đối ngân sách và có điều tiết về trung ương dưới 50% thì trung ương sẽ hỗ trợ; còn địa phương khó khăn thì trung ương sẽ hỗ trợ theo tinh thần 30, 50 và 70%.  

“Trong sử dụng dự phòng tiết kiệm chi phải tuyệt đối tiết kiệm đảm bảo trước mắt phục vụ phòng chống dịch, cũng như để dành cho ứng phó với thiên tai dịch bệnh khác, hạn hán xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, thiên tai miền núi phía Bắc…”, Bộ trưởng nhấn mạnh.


Nguồn: TCT Online