Trả lời Cục Hải quan TP. Hải Phòng, Cục Hải quan tỉnh Bình Dương và Công ty TNHH Kubota Việt Nam về vướng mắc chính sách thuế GTGT đối với mặt hàng máy kéo nhập khẩu không nhập kèm máy công tác phục vụ nông nghiệp, Tổng cục Hải quan có ý kiến như:
1. Căn cứ Điều 3 Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật thuế, khoản 1 Điều 3 Nghị định số 12/2015/NĐ-CP, khoản 2 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC thì “máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp” thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
Theo hướng dẫn tại điểm 1 công văn số 1677/BTC-TCT ngày 29/01/2016 của Bộ Tài chính thì:
“1. Các loại máy móc, thiết bị chuyên dùng khác phục vụ cho sản xuất nông nghiệp theo quy định tại ... thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT bao gồm:
…
n) Máy kéo sử dụng trong nông nghiệp: Máy kéo liên hợp với cày, bừa, phay, rạch hàng, gieo, phun thuốc bảo vệ thực vật, san phẳng đồng ruộng.”
Theo hướng dẫn tại điểm 2 công văn số 1677/BTC-TCT: “Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn hoặc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố xác nhận các máy, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp chưa được hướng dẫn tại khoản 2 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC, điểm 1 công văn số 12848/BTC-CST và điểm 1 công văn này theo nguyên tắc: Máy, thiết bị và linh kiện đồng bộ để lắp ráp thành máy móc, thiết bị sử dụng trong nông nghiệp và không thể sử dụng cho mục đích khác là máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật số 71/2014/QH13”.
Căn cứ các quy định và văn bản nêu trên, Tổng cục Hải quan hướng dẫn thực hiện như sau:
Giao Cục Hải quan TP. Hải Phòng, Cục Hải quan tỉnh Bình Dương thực hiện kiểm tra hồ sơ hải quan, tài liệu, chứng từ có liên quan... đối với mặt hàng được khai báo là máy kéo nhập khẩu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của Công ty TNHH Kubota Việt Nam. Nếu mặt hàng nhập khẩu có model, thông số kỹ thuật, chức năng chi tiết trùng khớp với danh mục các loại máy kéo được xác nhận là máy, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp nêu tại công văn số 1163/CB-CĐ ngày 29/11/2016 và công văn số 59/CB-CĐ ngày 23/01/2017 của Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, công văn số 316/KTHT-CĐ ngày 23/04/2018 của Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) thì thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
Đối với các trường hợp nhập khẩu hàng hóa không có văn bản của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (hoặc đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn được phân cấp xác nhận), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố xác nhận là máy chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp theo từng model, tiêu chí kỹ thuật cụ thể thì không thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
2. Ngày 14/08/2020, Tổng cục Hải quan đã ban hành công văn số 5367/TCHQ-TXNK thay thế công văn số 7422/TCHQ-TXNK ngày 28/11/2019 và công văn số 296/TCHQ-TXNK ngày 13/01/2020.
Tải về tại đây:
Công văn 5368/TCHQ-TXNK ngày 14/08/2020
Thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng máy kéo nhập khẩu không nhập kèm máy công tác phục vụ nông nghiệp