Trả lời Công ty TNHH MTV Tổng công ty Xăng dầu Quân đội về lập hóa đơn hàng hóa vay mượn, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:
- Căn cứ Luật Dân sự số 91/2015/QH13 quy định về hợp đồng vay tài sản, hợp đồng mượn tài sản;
- Căn cứ Khoản 7 Điều 3 Thông tư 26/2015/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Điều 16 Thông tư 39/2014/TT-BTC hướng dẫn về việc lập hóa đơn như sau:
“7. Sửa đổi, bổ sung Điều 16 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm b Khoản 1 Điều 16 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 3 Điều 5 Thông tư số 119/2014/TT-BTC) như sau:
“b) Người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ, tiêu dùng nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất)…”
- Căn cứ Khoản 2 Điều 3 Thông tư 119/2014/TT-BTC sửa đổi bổ sung khoản 4 Điều 7 Thông tư số 219/2013/TT-BTC hướng dẫn giá tính thuế GTGT như sau:
“2. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 7 Thông tư số 219/2013/TT-BTC như sau:
“4. Giá tính thuế đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng nội bộ
...Trường hợp xuất máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hóa dưới hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả, nếu có hợp đồng và các chứng từ liên quan đến giao dịch phù hợp, cơ sở kinh doanh không phải lập hóa đơn, tính, nộp thuế GTGT.”
Căn cứ quy định trên, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:
Trường hợp Công ty ký hợp đồng vay, mượn hàng hóa để bán cho khách hàng phù hợp với quy định của pháp luật thì tại thời điểm cho vay, mượn hàng hóa, doanh nghiệp cho vay, mượn không phải lập hóa đơn và không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT.
Tải về tại đây:
Công văn 1394/CT-TTHT ngày 13/01/2020
Lập hóa đơn hàng hóa vay mượn