Trả lời Công ty Cổ phần Sữa Quốc tế đề nghị miễn chữ ký người mua trên hóa đơn điện tử và miễn đóng dấu trên hóa đơn điện tử, miễn chữ ký điện tử trên văn bản thỏa thuận khi phát hiện sai sót, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:
- Căn cứ Nghị định số 119/2018/NĐ-CP quy định về hóa đơn điện tử Tại Điều 35 quy định hiệu lực thi hành:...
- Căn cứ Khoản 2, Điều 27 Thông tư số 68/2019/TT-BTC về hóa đơn điện tử hướng dẫn xử lý chuyển tiếp:...
- Căn cứ Thông tư số 32/2011/TT-BTC về khởi tạo, phát hành và sử dụng hóa đơn điện tử:
+ Tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều 3, tại điểm e Khoản 1, Khoản 2 Điều 6 hướng dẫn về hóa đơn điện tử:...
+ Tại Điều 9 hướng dẫn xử lý đối với hóa đơn điện tử đã lập:...
+ Tại Điều 12 quy định về việc chuyển từ hóa đơn điện tử sang hóa đơn giấy:...
- Thực hiện theo hướng dẫn tại công văn số 2402/BTC-TCT ngày 23/02/2016 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện hóa đơn điện tử:...
...(Xem chi tiết tại văn bản)...
Căn cứ theo quy định và hướng dẫn nêu trên, Cục thuế TP Hà Nội trả lời nguyên tắc như sau:
Nghị định số 119/2018/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01/11/2018, Thông tư số 68/2019/TT-BTC có hiệu lực kể từ ngày 14/11/2018. Trong thời gian từ ngày 01/11/2018 đến ngày 31/10/2020, trường hợp cơ quan thuế chưa thông báo Công ty chuyển đổi để sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định 119/2018/NĐ-CP thì Công ty vẫn áp dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành. Theo đó:
1. Về miễn chữ ký điện tử của người mua trên hóa đơn điện tử:
Trường hợp người mua không phải là đơn vị kế toán hoặc là đơn vị kế toán nếu có các hồ sơ, chứng từ chứng minh việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ giữa Công ty với người mua như: hợp đồng kinh tế, phiếu xuất kho, biên bản giao nhận hàng hóa, biên nhận thanh toán, phiếu thu,... thì Công ty lập hóa đơn theo quy định, trên hóa đơn điện tử không nhất thiết phải có chữ ký điện tử của người mua (trừ trường hợp người mua là đơn vị kế toán thỏa thuận về việc người mua ký trên hóa đơn).
2. Về việc miễn chữ ký của người đại diện pháp luật và tiêu thức dấu của người bán trên hóa đơn chuyển đổi từ hóa đơn điện tử:
- Trường hợp chuyển đổi hóa đơn điện tử sang hóa đơn giấy để chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa hữu hình trong quá trình lưu thông và chỉ được chuyển đổi một (01) lần thì hóa đơn điện tử chuyển đổi sang hóa đơn giấy để chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa phải đáp ứng các quy định nêu tại Khoản 2, 3, 4 Điều 12 Thông tư số 32/2011/TT-BTC và phải có chữ ký người đại diện theo pháp luật của người bán, dấu của người bán.
- Trường hợp chuyển đổi hóa đơn điện tử sang hóa đơn giấy để phục vụ việc lưu trữ chứng từ kế toán theo quy định của Luật Kế toán thì hóa đơn điện tử chuyển đổi sang hóa đơn giấy phục vụ lưu trữ phải đáp ứng các quy định nêu tại Khoản 2, 3, 4 Điều 12 Thông tư số 32/2011/TT-BTC.
3. Về việc ký bằng tay trên văn bản thỏa thuận khi phát hiện sai sót trong quá trình lập hóa đơn điện tử
Trường hợp hóa đơn điện tử đã lập và gửi cho người mua có sai sót thì thực hiện xử lý đối với hóa đơn điện tử đã lập theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 32/2011/TT-BTC. Trường hợp người mua không có chữ ký điện tử thì người bán và người mua lập văn bản thỏa thuận bằng giấy ghi rõ sai sót có chữ ký của người bán và người mua.
Tải về tại đây:
Công văn 412/CT-TTHT ngày 06/01/2020
Miễn chữ ký người mua trên HĐĐT và miễn đóng dấu trên HĐĐT, miễn chữ ký điện tử trên văn bản thỏa thuận khi phát hiện sai sót