Trả lời về chính sách thuế; Cục Thuế Thành phố có ý kiến như sau:
- Căn cứ Điều 33, Điều 34, Điều 35, Điều 36, Điều 37, Điều 38 Chương IV Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 quy định về giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử;
- Căn cứ Luật Kế toán số 88/2015/QH1,
+ Tại Điều 17 quy định chứng từ điện tử:
“1. Chứng từ điện tử được coi là chứng từ kế toán khi có các nội dung quy định tại Điều 16 của Luật này và được thể hiện dưới dạng dữ liệu điện tử, được mã hóa mà không bị thay đổi trong quá trình truyền qua mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc trên vật mang tin như băng từ, đĩa từ, các loại thẻ thanh toán.
2. Chứng từ điện tử phải bảo đảm tính bảo mật và bảo toàn dữ liệu, thông tin trong quá trình sử dụng và lưu trữ; phải được quản lý, kiểm tra chống các hình thức lợi dụng khai thác, xâm nhập, sao chép, đánh cắp hoặc sử dụng chứng từ điện tử không đúng quy định. Chứng từ điện tử được quản lý như tài liệu kế toán ở dạng nguyên bản mà nó được tạo ra, gửi đi hoặc nhận nhưng phải có đủ thiết bị phù hợp để sử dụng.
3. Khi chứng từ bằng giấy được chuyển thành chứng từ điện tử để giao dịch, thanh toán hoặc ngược lại thì chứng từ điện tử có giá trị để thực hiện nghiệp vụ kinh tế, tài chính đó, chứng từ bằng giấy chỉ có giá trị lưu giữ để ghi sổ, theo dõi và kiểm tra, không có hiệu lực để giao dịch, thanh toán.”
+ Tại Điều 18 quy định lập và lưu trữ chứng từ kế toán:
“...6. Chứng từ kế toán được lập dưới dạng chứng từ điện tử phải tuân theo quy định tại Điều 17, khoản 1 và khoản 2 Điều này. Chứng từ điện tử được in ra giấy và lưu trữ theo quy định tại Điều 41 của Luật này. Trường hợp không in ra giấy mà thực hiện lưu trữ trên các phương tiện điện tử thì phải bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin dữ liệu và phải bảo đảm tra cứu được trong thời hạn lưu trữ.”
+ Tại Điều 19 quy định ký chứng từ kế toán:
“... 4. Chứng từ điện tử phải có chữ ký điện tử. Chữ ký trên chứng từ điện tử có giá trị như chữ ký trên chứng từ bằng giấy.”
- Căn cứ Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử, tại Điều 9, Điều 10, Điều 11, Điều 12, Điều 13, Điều 14 Mục 1 Chương 2 quy định về chứng từ điện tử trong giao dịch thương mại;
- Căn cứ Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC) hướng dẫn về thuế TNDN quy định các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế:
“1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
b) Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
c) Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
…”
Căn cứ các quy định trên, về nguyên tắc nếu các chứng từ điện tử được lập và sử dụng theo đúng quy định tại Luật Giao dịch điện tử, các văn bản pháp luật hướng dẫn Luật Giao dịch điện tử và các văn bản pháp luật khác liên quan thì các chứng từ điện tử đó là chứng từ hợp pháp để làm cơ sở ghi nhận chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Tải về tại đây:
Công văn 4447/CT-TTHT ngày 06/05/2020
Xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp