• 8:00 - 17:00 từ Thứ 2 đến Thứ 6 & 8:00 - 12:00 sáng Thứ 7
  • 1900-6154
0

Language



Ưu đãi thuế tạo cơ hội cho ngành công nghiệp hỗ trợ ôtô phát triển

Theo Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), do có những đóng góp lớn cho kinh tế xã hội, nên công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ôtô là một trong 6 ngành được ưu tiên phát triển.

Theo Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), do có những đóng góp lớn cho kinh tế xã hội, nên công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ôtô là một trong 6 ngành được ưu tiên phát triển. Mặt khác, việc phát triển CNHT ngành ôtô được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy ngành ôtô trong nước, tạo việc làm và nguồn thu cho NSNN. Chính vì thế, Chính phủ đã có chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ôtô và chương trình ưu đãi thuế dành cho ngành CNHT ôtô. 

 

 

Liên quan đến chính sách thuế để hỗ trợ phát triển ngành CNHT ôtô, Vụ Chính sách thuế cho biết, Chính phủ đã có chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ô tô và chương trình ưu đãi thuế dành cho ngành CNHT ôtô. Cụ thể, đối với chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ôtô, chỉ tính riêng giai đoạn 2018-2020, Chính phủ đã ban hành một số chính sách ưu đãi về thuế nhập khẩu đối với linh kiện ôtô và nguyên liệu, vật tư, linh kiện sản xuất linh kiện sản xuất, lắp ráp ôtô. 

 

Cụ thể, trước bối cảnh thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ATIGA đối với mặt hàng ôtô giảm xuống 0% từ 1/1/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 125/2017/NĐ-CP quy định về thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với linh kiện ôtô nhập khẩu theo Chương trình ưu đãi thuế. Đồng thời, trong năm 2020, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 57/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 125/2016/NĐ-CP (NĐ57). Theo đó, điều kiện để được hưởng ưu đãi theo Chương trình ưu đãi là, DN phải cam kết sản xuất, lắp ráp ôtô đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 và 5 và đạt đủ sản lượng quy định; linh kiện nhập khẩu được áp dụng mức thuế suất 0% phải thuộc loại trong nước chưa sản xuất được.

 

Để không xảy ra trục lợi chính sách ưu đãi thuế, NĐ 57 yêu cầu tại thời điểm nhập khẩu DN vẫn phải kê khai, nộp thuế theo mức thuế suất thuế nhập khẩu thông thường hoặc mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi hoặc thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt, chưa áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% của nhóm 98.49. DN sẽ được xử lý tiền thuế nhập khẩu đã nộp thừa nếu đáp ứng điều kiện của chương trình.

 

Qua hơn 2 năm thực hiện, Chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ôtô được đánh giá không chỉ góp phần thúc đẩy sản xuất, mà còn tạo điều kiện cho DN trong nước mở rộng đầu tư, nâng cao khả năng cạnh tranh với xe nhập khẩu. Đại diện Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho biết, NĐ 57 mới thực hiện được chưa lâu, việc đánh giá tác động của nó cần có thời gian. Tuy nhiên, NĐ 57 đã tạo thuận lợi hơn cho DN nói chung và DN CNHT nói riêng trong hoạt động xuất nhập khẩu. Vì vậy, bước đầu được cộng đồng DN đánh giá tích cực, điều đó cũng thể hiện việc Chính phủ luôn cố gắng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cho DN. Về số thu ngân sách, Vụ Chính sách thuế cho biết, mặc dù chương trình làm giảm thuế nhập khẩu linh kiện nhưng đã góp phần tăng thu ở các sắc thuế nội địa. Cụ thể, số thuế đã nộp vào NSNN năm 2018 tăng khoảng 7.300 tỷ đồng so với năm 2017, năm 2019 tăng khoảng 4000 tỷ đồng. 

 

Riêng đối với chương trình ưu đãi thuế dành cho ngành CNHT ôtô, những năm gần đây, thị trường ôtô nói chung và đặc biệt là phân khúc xe du lịch nói riêng đang có những sự tăng trưởng vượt bậc, dự báo đến năm 2025 tiệm cận 1 triệu xe bán ra/năm. Đây chính là cơ hội để các DN phát triển công nghiệp phụ trợ và ngược lại, nếu không tận dụng tốt cơ hội này thì CNHT ôtô Việt Nam sẽ tiếp tục đi sau các nước và chỉ dừng lại ở lắp ráp hoặc sản xuất quy mô nhỏ lẻ. Vì vậy, tại Điều 7b của NĐ 57, Chính phủ đã bổ sung Chương trình ưu đãi thuế đối với ngành CNHT ôtô trong thời hạn 5 năm 2020- 2024. Mục tiêu của việc bổ sung Chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu 0% đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu sản xuất sản phẩm CNHT cho ngành ôtô sẽ góp phần giảm chi phí đầu vào cho các sản phẩm CNHT, tăng sức cạnh tranh, góp phần hỗ trợ DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước tăng tỷ lệ nội địa hóa. Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là giải pháp về thuế nhập khẩu rất kịp thời để đón làn sóng chuyển dịch đầu tư của các DN FDI và ngành CNHT của Việt Nam trong giai đoạn tới đây do tác động của bối cảnh dịch Covid 2019.

 

Mặc dù vậy, hiện nay trước sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm nhập khẩu, đặc biệt là khoảng 7-10 năm tới từ các nước trong hiệp định CTPPP và EVFTA; đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung linh kiện nhập khẩu, trong khi người tiêu dùng không còn mặn mà với việc mua ôtô, vì vậy, Chính phủ cần có các chính sách, giải pháp mạnh mẽ, hiệu quả để duy trì và từng bước phát triển sản xuất ôtô trong nước để bảo đảm tự chủ của ngành ô tô trước các biến động trong và ngoài nước. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng ngoài việc khuyến khích các DN lớn đầu tư, cần phải có các chính sách đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao cho ngành công nghiệp ôtô, đặc biệt là nhân sự làm công tác nghiên cứu và phát triển. Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách hiện hành, hỗ trợ tháo gỡ cho các DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo vệ thị trường trong nước đồng thời tăng cường kiểm soát chất lượng nhập khẩu ôtô trong nội khối ASEAN, đảm bảo đáp ứng các điều kiện hưởng thuế suất 0%. Mặt khác, cần tiếp tục có các chính sách về thuế, phí, lệ phí nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh, thu hẹp khoảng cách chi phí sản xuất giữa ôtô trong nước và nhập khẩu.