Để hướng dẫn việc xác định chi phí tiền lương, chi phí nhân công trong giá, đơn giá sản phẩm, dịch vụ công ích theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/04/2019 của Chính phủ Quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên do doanh nghiệp thực hiện – ngày 06/11/2019, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 17/2019/TT-BLĐTBXH.
Theo đó, căn cứ xác định chi phí tiền lương, chi phí nhân công trong giá, đơn giá sản phẩm, dịch vụ công chi phí tiền lương, chi phí nhân công trong giá, đơn giá sản phẩm, dịch vụ công được xác định căn cứ vào định mức lao động (thuộc định mức kinh tế kỹ thuật, định mức nhân công, định mức chi phí) do Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh ban hành, tiền lương và chi phí khác của lao động trực tiếp sản xuất, lao động chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ, lao động quản lý doanh nghiệp tham gia thực hiện sản phẩm, dịch vụ công.
Tiền lương của lao động trực tiếp sản xuất và lao động chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ xác định trên cơ sở hệ số lương cấp bậc, hệ số phụ cấp lương của lao động thực hiện sản phẩm, dịch vụ công nhân với mức lương cơ sở do Chính phủ quy định và hệ số điều chỉnh tăng thêm theo từng vùng.
Tiền lương của lao động quản lý doanh nghiệp (Chủ tịch Hội đồng Quản trị hoặc Chủ tịch Hội đồng Thành viên hoặc Chủ tịch Công ty, Thành viên Hội đồng Quản trị hoặc Thành viên Hội đồng Thành viên, Trưởng ban Kiểm soát, Kiểm soát viên, Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc hoặc Phó Giám đốc, Kế toán trưởng) được xác định trên cơ sở mức lương cơ bản theo hạng Tổng Công ty và công ty.
Về các chi phí khác tính trong chi phí tiền lương, chi phí nhân công, bao gồm chi phí BHXH, BHYT, BHTN, kinh phí công đoàn thuộc trách nhiệm đóng của người sử dụng lao động được xác định theo quy định của pháp luật; chi phí ăn ca và chế độ khác của từng loại lao động (nếu có) theo quy định pháp luật.
Đối với các sản phẩm, dịch vụ công đặc thù hoặc sản phẩm, dịch vụ công thực hiện trên các địa bàn đòi hỏi tiền lương trong giá, đơn giá sản phẩm, dịch vụ công cao hơn mức quy định tại Điều 4 và Điều 5 Thông tư này thì Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh xác định mức cụ thể, thống nhất với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trước khi quyết định để bảo đảm cân đối chung. Bên cạnh đó, trách nhiệm của Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh là rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành định mức lao động mới cho phù hợp, làm cơ sở cho việc xác định chi phí tiền lương, chi phí nhân công trong giá, đơn giá sản phẩm, dịch vụ công; quy định, hướng dẫn xác định chi phí tiền lương, chi phí nhân công đối với từng sản phẩm, dịch vụ công cụ thể; tiếp nhận báo cáo của đơn vị thực hiện sản phẩm, dịch vụ công, đánh giá tình hình thực hiện chi phí tiền lương, chi phí nhân công trong giá, đơn giá sản phẩm, dịch vụ công đã ký hợp đồng thầu hoặc đặt hàng, giao nhiệm vụ năm trước liền kề và tổng hợp báo cáo theo Biểu mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này gửi về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trước ngày 31/03 hàng năm.
Công thức tính chi phí khác của lao động trực tiếp sản xuất và lao động chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ
Trong đó,
Vlđkhác: Là chi phí khác của từng loại lao động trực tiếp sản xuất và lao động chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ tính trong giá, đơn giá sản phẩm, dịch vụ công.
Tlđi: Là tổng số ngày công định mức lao động của chức danh, công việc thứ i trong từng loại lao động được hưởng tiền ăn giữa ca, chế độ khác do Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh ban hành để thực hiện sản phẩm, dịch vụ công.
CĐăci: Là tiền ăn giữa ca của vị trí, chức danh lao động thứ i theo quy định pháp luật.
CĐki: Là các chế độ khác của vị trí, chức danh lao động thứ i (nếu có) theo quy định pháp luật.
BHlđ: Là chi phí BHXH, BHYT, BHTN, kinh phí công đoàn thuộc trách nhiệm đóng của người sử dụng lao động đối với từng loại lao động trực tiếp sản xuất và lao động chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ được xác định theo quy định pháp luật.
Thông tư số 17/2019/TT-BLĐTBXH có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21/12/2019.
Người lao động, người quản lý doanh nghiệp tham gia thực hiện các sản phẩm, dịch vụ công; doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết định giá, đơn giá sản phẩm, dịch vụ công và thanh toán kinh phí thực hiện sản phẩm, dịch vụ công thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư.
Nguồn: Tạp chí BHXH
Chi phí tiền lương, BHXH, BHYT, BHTN trong giá, đơn giá sản phẩm, dịch vụ công sử dụng kinh phí NSNN do doanh nghiệp thực hiện