• 8:00 - 17:00 từ Thứ 2 đến Thứ 6 & 8:00 - 12:00 sáng Thứ 7
  • 1900-6154
0

Language



Ứng dụng mạnh mẽ CNTT - Nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu

“Cùng với việc giải quyết nghiệp vụ thường xuyên, rất nhiều nhiệm vụ công tác đột xuất, yêu cầu hoàn thành trong thời gian ngắn, đòi hỏi cần phải có những giải pháp nhằm thực hiện công việc với thời gian và nhân lực tối thiểu nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng. Chính vì thế tập thể Phòng đã cùng nhau xây dựng các sáng kiến giúp cho việc thực hiện nhiệm vụ thuận tiện và dễ dàng hơn” - Đồng chí Nguyễn Văn Chương, Trưởng phòng Quản lý Thu, BHXH tỉnh Lào Cai chia sẻ về những sáng kiến ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả quản lý công tác thu trên địa bàn thời gian qua.

Đồng chí Nguyễn Văn Chương (thứ ba từ trái sang) thay mặt Tập thể Phòng Quản lý Thu nhận Bằng khen của TGĐ BHXH Việt Nam

Lào Cai là một tỉnh miền núi biên giới, với đặc thù người dân sống ở vùng sâu, xa, toàn tỉnh có 19.708 hộ nghèo, 17.000 hộ cận nghèo; trong tổng số 139 xã khó khăn toàn tỉnh có đến 102 xã đặc biệt khó khăn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 1.007 thôn đặc biệt khó khăn; đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 64% dân số, tỷ trọng doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm đa số, đặc trưng là sản xuất kinh doanh không ổn định và kém hiệu quả, hầu hết các doanh nghiệp đăng ký ngành nghề kinh doanh xuất nhập khẩu bản chất chỉ là môi giới xuất nhập khẩu, rất ít lao động và chưa đăng ký tham gia BHXH. HĐLĐ ở các doanh nghiệp siêu nhỏ thường ngắn hơn 1 tháng, thậm chí 15-20 ngày chủ yếu thỏa thuận miệng. Dẫn đến việc khai thác và phát triển đối tượng chưa hiệu quả. Tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lực cạnh tranh yếu…

Với khối lượng công việc lớn, đối tượng phục vụ ngày càng tăng, trong khi chỉ có 17 cán bộ, chính vì thế, tập thể Phòng đã cùng nhau xây dựng các sáng kiến giúp cho việc thực hiện nhiệm vụ thuận tiện và dễ dàng hơn.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác thu BHXH trên địa bàn tỉnh, cùng với xu thế chung của toàn ngành đặt ra yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào xử lý các công việc, nghiệp vụ nhằm tiết kiệm thời gian, công sức, đồng thời đảm bảo được hiệu quả quản lý. Trong giai đoạn 2015-2020, Phòng Quản lý Thu đã áp dụng nhiều sáng kiến, giải pháp hữu ích phục vụ tốt cho công tác nghiệp vụ. Năm 2015, Phòng có sáng kiến “Phần mềm xuất dữ liệu người tham gia từ SMS sang iBHXH” hỗ trợ cho các đơn vị sử dụng lao động trong triển khai giao dịch điện tử ở lĩnh vực BHXH. Năm 2016, Phòng xây dựng 03 sáng kiến là “Hỗ trợ tính lãi BHXH, BHYT, BHTN” phục vụ cho công tác nghiệp vụ của Phòng, giúp tiết kiệm thời gian của cán bộ nghiệp vụ, đảm bảo tính toán chính xác số tiền lãi phát sinh trong khi phần mềm quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu, “Phần mềm đối soát dữ liệu điều tra hộ gia đình tham gia BHYT” và “Phần mềm tra cứu thông tin thẻ hỗ trợ điều tra hộ gia đình tham gia BHYT”; đã được áp dụng góp phần hoàn thành quá trình điều tra hộ gia đình tham gia BHYT trên địa bàn toàn tỉnh đảm bảo chất lượng, tiến độ; là cơ sở xác định số người thuộc diện tham gia BHYT trên địa bàn để xây dựng Kế hoạch bao phủ BHYT giai đoạn 2016-2020 trình UBND tỉnh ban hành.

Điểm nhấn có thể kể đến năm 2017, nhằm thực hiện nhiệm vụ đột xuất gán mã số BHXH với BHXH cấp huyện, Phòng Quản lý Thu đã kịp thời tham mưu ban hành Kế hoạch, Văn bản chỉ đạo, hướng dẫn BHXH các huyện, thành phố trong việc hoàn thiện, cấp mã số BHXH, in đổi thẻ BHYT theo mã số BHXH cho người tham gia. Công văn số 4937/UBND-VX ngày 16/10/2017 về việc phối hợp cấp mã số BHXH, quản lý đối tượng tham gia BHXH, BHYT. Trong đó UBND tỉnh chỉ đạo một số nội dung quan trọng như các cơ quan, đơn vị phối hợp tốt với cơ quan BHXH trong việc hoàn thiện, cấp mã số BHXH cho người tham gia; UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND cấp xã tăng cường quản lý chặt chẽ đối tượng và thực hiện nghiêm túc việc lập danh sách tăng, giảm hằng tháng theo quy định; các sở, ngành liên quan như Sở Tư pháp, Công an tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho người dân còn thiếu ngày, tháng sinh khi đổi lại giấy khai sinh, chứng minh thư nhân dân nhằm chuẩn hóa dữ liệu của đối tượng tham gia BHYT. Đồng thời áp dụng sáng kiến “Mã hóa dữ liệu đưa vào phần mềm TST” để hoàn thiện mã hóa xã-huyện-tỉnh thông tin địa chỉ liên hệ, nơi khai sinh phục vụ cho rà soát trả sổ và gán mã. Tự động hóa việc định dạng dữ liệu chuẩn từ dạng chữ sang dạng số theo danh mục địa bàn hành chính để đưa vào phần mềm trước khi cấp thẻ BHYT cho đối tượng theo các thông tin được ghi trên thẻ BHYT.

Anh Chương kể, ngay từ giai đoạn đầu, nhờ chất lượng dữ liệu tốt, BHXH tỉnh Lào Cai đã hoàn thiện cấp mã số đạt 94,5% trên tổng số lượng người tham gia, bổ sung thông tin ngày tháng sinh cho trên 42.000 đối tượng tham gia BHXH, BHYT; trước thời điểm 31/12/2017, BHXH tỉnh Lào Cai đã vượt chỉ tiêu cấp mã số đạt 98,5% trên tổng số lượng người tham gia; In và trả thẻ BHYT mã số mới đạt 100% số người đã đồng bộ.

Năm 2018, nhằm phục vụ đặc thù công việc cấp cơ sở, Phòng đã có sáng kiến “Nâng cao chất lượng công tác kiểm soát hồ sơ thu đóng BHXH, BHYT, BHTNLĐ-BNN”. Đây được là công cụ kiểm soát giảm thiểu hồ sơ chậm, muộn thời gian, hồ sơ sai sót khi hạch toán phần mềm TST. Cụ thể đã giảm các sai sót về chức danh nơi làm việc, hệ số lương, mức lương, phụ cấp chức vụ, thâm niên vượt khung, thâm niên nghề, sai thời gian điều chỉnh, tăng giảm, thu lãi đúng đủ. Nâng cao năng lực nghiệp vụ của cán bộ thu tỉnh/huyện.

Phòng cũng xây dựng quy trình “Cải tiến và tự động hóa công tác thẩm định quyết toán thu” giúp cán bộ tổng hợp thu kiểm tra tự động tính chất logic của số liệu giữa các chỉ tiêu trên cùng báo cáo thu và giữa các loại báo cáo với nhau. Phát hiện các sai sót, chỉ dẫn khoanh vùng các chứng từ phải kiểm tra để xác minh rõ hơn nguyên nhân, kịp thời có biện pháp điều chỉnh trước khi trình Lãnh đạo BHXH huyện, tỉnh duyệt báo cáo quyết toán. Giúp lãnh đạo phụ trách thu huyện có công cụ hữu hiệu để kiểm soát được số liệu quyết toán thu.

Đáng chú ý, sáng kiến “Đồng bộ Mã thôn - Mã hộ từ Cơ sở dữ liệu hộ gia đình sang Cơ sở dữ liệu TST phục vụ cho gắn mã số BHXH” đã tháo gỡ được vướng mắc thực tiễn về in sắp xếp thẻ BHYT theo mã thôn, hộ cho từng xã. Tiết kiệm thời gian xử lý thủ công, tạo sự thống nhất cách làm đảm bảo dữ liệu đồng nhất; Kết quả đã giúp BHXH tỉnh hoàn thành sớm kế hoạch gán mã, in trả thẻ BHYT theo Văn bản 3799/BHXH-BT và Văn bản 4955/BHXH-ST.

Anh Chương lấy ví dụ, Lào Cai là tỉnh miền núi, có rất nhiều dân tộc thiểu số. Có những trường hợp gia đình dân tộc, anh đưa đi em học cấp một thì được thầy cô giáo vận động đi học luôn. Vậy là khi em lên lớp 3, anh mới lại vào lớp 1. Để có hồ sơ học bạ, lúc đó gia đình mới làm giấy khai sinh. Trên thực tế là anh nhưng vì làm giấy khai sinh sau em nên anh lại được khai ít tuổi hơn em. Rồi có gia đình sinh đến 10 người con rồi nhưng trong hộ khẩu mới khai đến 1-2 con. Chính vì vậy, khi rà soát dữ liệu BHYT ở cấp xã cũng gặp khó khăn. Năm 2019, trên cơ sở phân tích khó khăn của UBND cấp xã trong việc quản lý đối tượng tham gia BHYT, Phòng đã xây dựng phần mềm hỗ trợ quản lý BHYT cấp xã được công nhận sáng kiến cấp Ngành. Sáng kiến “Phần mềm hỗ trợ quản lý BHYT cấp xã” đã được sử dụng tại 164 UBND xã trên địa bàn tỉnh Lào Cai, viên chức BHXH tỉnh, huyện có liên quan; Nhân viên Bưu điện có liên quan đến đại lý thu và cập nhật biến động BHYT hộ gia đình, công chức UBND xã, phường, thị trấn; Công an xã, phường trong đối soát với thông tin dân cư thuộc đề án quốc gia 896. Phần mềm này có thể mở rộng cho phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, Phòng Dân tộc huyện cùng sử dụng sáng kiến. Qua đó đã tiết kiệm thời gian lập mẫu biểu của UBND cấp xã, tiết kiệm thời gian thống kê số liệu phục vụ lập kế hoạch, giám sát thực hiện kế hoạch, tiết kiệm hàng trăm triệu đồng chi phí phải bỏ ra để thực hiện nhiệm vụ; giúp lãnh đạo BHXH huyện, tỉnh nắm rõ tình hình bao phủ BHYT từng xã. Nhờ sáng kiến này, Phòng Khai thác và Thu nợ đã phối hợp với Phòng Quản lý Thu thống kê phân nhóm dữ liệu người chưa tham gia toàn tỉnh; giúp viên chức thu, khai thác thu nợ có công cụ hỗ trợ tìm kiếm mã số BHXH; giúp UBND xã chủ động rà soát người bị sót chưa có thẻ BHYT thuộc diện NSNN đóng 100%; đại lý có công cụ cầm tay để kiểm tra thông tin nhanh chính xác người tham gia và thông tin nhân khẩu trong hộ, hỗ trợ thông tin để tính mức giảm trừ BHYT từ người thứ 2 trở lên. Anh Chương cho biết, phần mềm này cũng được BHXH tỉnh Lào Cai chia sẻ với nhiều địa phương khác trong cả nước khai thác, ứng dụng phần mềm trong đồng bộ mã số BHXH.

Cùng năm này, sáng kiến “Giải pháp hoàn thiện dữ liệu chuyên ngành BHYT thông qua phối hợp Ban chỉ đạo 896 đối sánh thông tin dân cư với dữ liệu BHYT hộ gia đình” phối hợp phòng Hành chính tư pháp thuộc Sở tư pháp; phòng Quản lý hành chính về Trật tự xã hội Công An tỉnh; hướng dẫn BHXH huyện, TP chủ động cung cấp đa dạng các công cụ dữ liệu phục vụ Ban Chỉ đạo 896 xã, phường, thị trấn (chủ yếu là lực lượng Công an xã) đối sánh thông tin dân cư và dữ liệu BHYT HGĐ; tranh thủ nhiệm vụ trong tổ giúp việc Ban chỉ đạo 896 Hoàn thiện dữ liệu BHYT HGĐ dựa trên cơ sở thông tin hộ tịch, hộ khẩu được cơ quan Tư pháp, Công an xác minh; tạo thuận lợi cho Nhân dân khi cấp đổi thẻ BHYT khớp với giấy tờ tuỳ thân và thông tin hộ tịch.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin và hoạt động đã góp phần quan trọng đối với tập thể Phòng Quản lý thu nói riêng và BHXH tỉnh Lào Cai nói chung hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch được BHXH Việt Nam giao. Theo đó, số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN đều tăng qua các năm. Tính đến hết 31/12/2019, toàn tỉnh có 65.062 người tham gia BHXH, tăng 11,6% so với năm 2015 (trong đó có 60.710 người tham gia BHXH bắt buộc, tăng khoảng 6,30% so với năm 2015; 4.352 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng gấp 3,67 lần so với năm 2015); 52.158 người tham gia BHTN, tăng 7,73% so với năm 2015; 708.574 người tham gia BHYT, tăng 6,67% so với năm 2015, đạt tỷ lệ bao phủ 98,93% dân số tỉnh. Số thu BHXH, BHYT, BHTN hàng năm đều hoàn thành vượt mức kế hoạch giao. Tổng số thu BHXH, BHYT, BHTN từ năm 2015 - 2019 là khoảng 7.255 tỷ đồng.