• 8:00 - 17:00 từ Thứ 2 đến Thứ 6 & 8:00 - 12:00 sáng Thứ 7
  • 1900-6154
0

Language



Bộ Y tế - BHXH Việt Nam: Ký kết Quy chế phối hợp trong xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật BHYT

Chiều ngày 03/9/2020, tại Hà Nội, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam tổ chức Lễ ký kết Quy chế phối hợp trong xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHYT. Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đồng chủ trì Lễ Ký kết. Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Hồng Diên tham dự Lễ Ký kết.

Tham dự Lễ Ký kết, về phía BHXH Việt Nam có các Phó Tổng Giám đốc: Phạm Lương Sơn, Trần Đình Liệu, Đào Việt Ánh; Lê Hùng Sơn; lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam; Về phía Bộ Y tế có các Thứ trưởng: Trương Quốc Cường; Nguyễn Trường Sơn; Trần Văn Thuấn và lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ Y tế.

Tham dự Lễ Ký kết còn có đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương; Bộ Tài chính; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội... 

Chương trình Ký kết giữa Bộ Y tế và BHXH Việt Nam nhằm triển khai việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT phù hợp với tình hình hiện nay, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công tác chăm sóc sức khỏe, bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân. Theo dự thảo, Quy chế bao gồm 03 chương, 11 điều quy định nguyên tắc, nội dung phối hợp trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHYT giữa Bộ Y tế và BHXH Việt Nam. Theo đó, nguyên tắc phối hợp dựa trên cơ sở thực hiện và tuân thủ chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về BHYT và theo đúng chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi bên. Bảo đảm các hoạt động phối hợp được thực hiện kịp thời, đồng bộ, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Bộ Y tế và chỉ đạo tổ chức thực hiện của lãnh đạo BHXH Việt Nam. Hai bên thường xuyên cung cấp, trao đổi thông tin về công tác xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT và phương án giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT.

Về các nội dung phối hợp: Bộ Y tế và BHXH Việt Nam phối hợp xây dựng chính sách, pháp luật về BHYT bao gồm: xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; Xây dựng chiến lược, kế hoạch tổng thể phát triển BHYT; Xây dựng và trình Chính phủ các giải pháp nhằm đảm bảo cân đối quỹ BHYT; Đánh giá tình hình thực hiện các văn bản Quy phạm pháp luật về BHYT.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện chế độ BHYT; Phối hợp tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT; Phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết các khiếu nại, tố cáo về BHYT; Phối hợp trong nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế về lĩnh vực BHYT; Phối hợp triển khai thực hiện Đề án Chính phủ đã phê duyệt về Đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 Ngành Bảo hiểm và các dịch vụ công trên cơ sở kết nối chia sẻ dữ liệu giữa BHXH Việt Nam và các Ngành liên quan”...

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu khai mạc

Phát biểu tại Lễ Ký kết, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, trong thời gian qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, công tác BHYT thu được nhiều kết quả quan trọng, hiện có hơn 90% dân số tham gia BHYT; quyền lợi của người dân ngày càng được mở rộng, chất lượng khám, chữa bệnh BHYT ngày càng được nâng cao, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền với nhau. Hàng năm có hàng trăm triệu lượt người có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh tại tất cả các tuyến với chi phí những năm gần đây lên tới hơn 100 tỷ đồng mỗi năm. BHYT công cụ tài chính quan trọng để đảm bảo hoạt động của Ngành Y tế, cơ sở KCB vận hành, cung ứng dịch vụ, góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ y tế. Đặc biệt, trong những năm qua, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam cũng đã có những phối hợp tích cực trong nhiều mặt công tác liên quan đến chính sách BHYT.

Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận định, để đáp ứng các mục tiêu của chính sách BHYT, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, khắc phục những hạn chế trong tổ chức thực hiện, phù hợp với thực tiễn về sự phát triển của kinh tế- xã hội, khoa học công nghệ, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, Quy chế phối hợp được ký kết giữa Bộ Y tế và BHXH Việt Nam lần này nhằm bảo đảm các hoạt động được phối hợp kịp thời, đồng bộ, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam.

Quyền Bộ trưởng cũng mong muốn, trên cơ sở các nội dung Quy chế, hai bên sẽ tiếp tục phối hợp một cách chặt chẽ hơn nữa, đặc biệt trong các lĩnh vực: độ bao phủ BHYT, dịch vụ, thanh toán, công nghệ thông tin, ứng dụng triển khai hồ sơ sức khỏe, đăng ký khám chữa bệnh toàn tuyến; sử dụng tài nguyên dữ liệu của BHYT, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán ca bệnh; thanh toán tại các cơ sở y tế không dùng tiền mặt... Đồng thời cùng nhau tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách BHYT, thanh quyết toán khám chữa bệnh BHYT... Hướng tới ngày hoàn thiện hơn với chăm sóc bảo vệ sức khỏe Nhân dân.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu

Đồng tình với ý kiến của Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long về sự cần thiết phải có Quy chế phối hợp mới với tầm nhìn mới, thay thế Quy chế phối hợp đã được ký kết cách đây hơn mười năm giữa Bộ Y tế và BHXH Việt Nam – Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nêu bật, có thể thấy, trong những năm qua, đặc biệt là 5 năm gần đây sự phối hợp giữa Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đã có những bước tiến mới, góp phần quan trọng  trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Sự phối hợp đó được thể hiện rõ nét trong xây dựng chính sách pháp luật về khám, chữa bệnh, về BHYT. Hầu như tất cả các dự án xây dựng, sửa đổi bổ sung Luật, Nghị định, Thông tư về chăm sóc sức khỏe Nhân dân, về BHYT đều có sự tham gia tích cực và có hiệu quả của BHXH Việt Nam. Các văn bản pháp quy được ban hành trong thời gian gần đây đã giúp việc quản lý chặt chẽ hơn, giải quyết được nhiều vướng mắc trong tổ chức thực hiện.

Bên cạnh viện tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, hai ngành cũng đã phối hợp chặt chẽ trong xây dựng và ban hành các hướng dẫn tổ chức thực hiện, tạo sự thống nhất để giảm thiểu tối đa các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện tại địa phương. Thời gian gần đây, được sự chỉ đạo trực tiếp, sâu sát của của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, của đồng chí Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, hầu hết các vướng mắc trong tổ chức khám, chữa bệnh và thanh toán chi phí KCB BHYT đã được tháo gỡ, giải quyết.

Một trong những hoạt động phối hợp được đánh giá là hiệu quả trong thời gian qua đó là ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục khám, chữa bệnh, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT. Hơn 12 nghìn cơ sở KCB từ trạm y tế xã trở lên đã được kết nối, liên thông dữ liệu với Cổng thông tin giám định BHYT. Nếu trong năm 2017 tỷ lệ liên thông dữ liệu KCB trong ngày chỉ đạt 38% thì đến nay đã đạt 89%. Công tác thanh quyết toán chi phí KCB BHYT đã được thực hiện bằng hệ thống phần mềm, đảm bảo chính xác và minh bạch hơn. Bộ Y tế và BHXH Việt Nam cũng đã phối hợp rất chặt chẽ trong xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế, hồ sơ sức khỏe điện tử. 98 triệu hồ sơ có các thông tin cơ bản, trong số đó có khoảng 45 triệu hồ sơ đã được bổ sung lịch sử khám, chữa bệnh đã được BHXH Việt Nam cung cấp sang Bộ Y tế làm cơ sở để xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử.

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cho rằng, giai đoạn tới đây, bên cạnh những thuận lợi như sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, của người dân, chính sách BHYT tại Việt Nam sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức để duy trì được sự phát triển bền vững. Hiện tại, chúng ta đã bao phủ BHYT được gần 90% dân số, đạt được chỉ tiêu Chính phủ giao. Con số 10% còn lại tuy ít nhưng lại là nhóm đối tượng khó phát triển, bên cạnh đó chúng ta lại cần duy trì bền vững số đã tham gia BHYT để đạt được 95% dân số có BHYT vào năm 2025 như mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 20/2017/NQ-TW.

Bộ Y tế và BHXH Việt Nam ký kết Quy chế phối hợp

Cùng với việc duy trì và phát triển đối tượng tham gia BHYT, một nhiệm vụ rất quan trọng là quản lý và sử dụng quỹ BHYT sao cho vừa đạt được mục tiêu cân đối, ổn định vừa đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT. Trong những năm gần đây, với số tiền thu BHYT khá khiêm tốn, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực nhưng với sự nỗ lực của cả hai ngành, chúng ta vẫn đảm bảo được quyền lợi khám, chữa bệnh cho người tham gia BHYT theo quy định. Năm 2019, ngành y tế đã thực hiện khám ngoại trú và điều trị nội trú cho 184,5 triệu lượt người có thẻ BHYT; quỹ BHYT chi trả hơn 100 nghìn tỷ đồng. Theo thời gian, việc tiếp cận dịch vụ y tế ngày một thuận lợi, người dân quan tâm hơn đến chăm sóc sức khỏe, vấn đề già hóa dân số... đồng thời, nhiều loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật tiên tiến được sử dụng trong khám, chữa bệnh, chắc chắn chi phí khám, chữa bệnh BHYT sẽ tiếp tục gia tăng trong khi mức đóng BHYT chưa thể điều chỉnh tăng trong bối cảnh hiện nay.

“Để vượt qua được những khó khăn, thách thức nêu trên, chúng tôi nhận thấy cần có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả nữa giữa Bộ Y tế và BHXH Việt Nam. Sự phối hợp đó cần tiếp tục được thể hiện trong việc xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật về khám, chữa bệnh, về BHYT; trong chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện chính sách và trong công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan đến thực thi chính sách pháp luật về BHYT; Tiếp tục đẩy mạnh phối hợp ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính, quản lý giám sát chi phí KCB BHYT, sớm hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu y tế quốc gia, hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân” - Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nhận định.

Đồng thời, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cũng tin tưởng, với Bản Quy chế phối hợp đầy đủ, cụ thể các nội dung phối hợp, thể hiện được trách nhiệm của mỗi bên trong thực thi nhiệm vụ của mình, đảm bảo minh bạch và tuân thủ các quy định của pháp luật – sẽ là cơ sở vững chắc để hoạt động phối hợp giữa Bộ Y tế và BHXH Việt Nam ngày càng hiệu quả, góp phần quan trọng trong thực hiện chính sách BHYT tại Việt Nam./. 

Nguồn: Tạp chí BHXH