• 8:00 - 17:00 từ Thứ 2 đến Thứ 6 & 8:00 - 12:00 sáng Thứ 7
  • 1900-6154
0

Language



Cơ cấu lại quản trị DN để hạn chế rủi ro về thuế

Đối với các DN, việc giảm thiểu rủi ro về thuế là nhiệm vụ không đơn giản, quyết định đến sự thành bại của dự án đầu tư hay hoạt động sản xuất kinh doanh. Do vậy, dưới bất kỳ hình thức nào thì việc chấp hành tốt nghĩa vụ nộp thuế vẫn được xem là một khoản chi tác động trực tiếp đến kết quả kinh doanh của từng DN, nên vấn đề quản lý rủi ro về thuế cần phải được chú trọng hơn trong xu thế hội nhập.

Để quản lý rủi ro khi thực hiện chính sách thuế, trước hết DN cần phải nhận diện được rủi ro, nhất là khi mong muốn lợi nhuận càng lớn thì càng phải chấp nhận đối diện mức độ rủi ro càng cao. Tuy nhiên, có một loại rủi ro xuất phát chủ yếu từ bản thân DN và có khả năng gây thiệt hại đáng kể, đó là rủi ro chính sách, đặc biệt là tại các nước có hệ thống pháp luật đang hoàn thiện.
 
Theo LS Nguyễn Đức Nghĩa, Tổng giám đốc Đại lý thuế Trí Nguyễn, trước tiên, phải thừa nhận sự chưa đồng bộ chính sách được nhận định ở sự khác biệt giữa các ngành luật khác nhau, trong đó chính sách thuế cũng đang trong quá trình hoàn thiện. Sự không đồng bộ này thể hiện ở nội dung các nghị định, thông tư so với luật gốc; ở sự thiếu thống nhất và chồng chéo do cơ quan quản lý sử dụng văn bản hướng dẫn không nhất quán (như việc áp dụng ưu đãi thuế GTGT 0% khi cung cấp hàng cho khu chế xuất, khu công nghiệp). Ngoài ra, các qui định về hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử thời gian qua đã làm cộng đồng DN khá bối rối, mặc dù mới ban hành Thông tư 68/2019/TT-BTC. 
 
Song song đó, có nhiều nguyên nhân phát sinh rủi ro thuế xuất phát từ phía DN do chưa hiểu biết đầy đủ, hoặc do quá tự tin khi cho rằng đã nắm rõ pháp luật thuế. Trong thực tế, có rất nhiều chủ DN, lãnh đạo công ty không quan tâm đến việc tìm hiểu chính sách thuế, mà phó mặc cho nhân viên kế toán. Thậm chí, một số chủ DN có xu hướng giải quyết các sai phạm thuế, các quyết định hành chính bằng các hành vi trái pháp luật như thông đồng, đưa hối lộ… Chính vì vậy, khi bị cơ quan chức năng thanh kiểm tra phát hiện sai phạm, thay vì tìm hiểu nguyên nhân sai phạm, tìm hướng giải quyết đúng pháp luật, thì các lãnh đạo thường lúng túng, tìm nơi che đỡ hoặc đuổi việc kế toán... Đó không được xem là những hành vi tuân thủ phù hợp trong nền pháp luật tiến bộ và văn minh như hiện nay và trong thời gian tới.
 
LS Nguyễn Đức Nghĩa cho biết thêm, các DN nhỏ do ít coi trọng tầm quan trọng của công tác kế toán thuế nên thường bố trí đội ngũ kế toán rất mỏng (1-2 người, kiêm nhiệm nhiều việc), nhằm thực hiện chủ yếu cho việc ghi sổ thu chi. Một số DN có xu hướng sử dụng dịch vụ kê khai thuế giá rẻ của các cá nhân quen biết, chỉ cần có tờ khai theo quy định là đủ, không cần biết số kê khai đúng và đủ hay không. Điều này chắc chắn không đảm bảo yêu cầu cơ bản của tờ khai, thậm chí khi kiểm tra thì số liệu trên hồ sơ và tờ khai khác biệt, không những không thể hiện thực tế kinh doanh, gây thiệt hại cho đơn vị, mà còn tạo rủi ro về chế tài hành chính theo kết luận thanh tra, kiểm tra thuế. 
 
Để khắc phục tồn tại, hướng tới đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh minh bạch, các DN cần nghiêm túc xem trọng công tác quản trị rủi ro về thuế. Theo đó, DN cần sớm thay đổi nhận thức về tính tuân thủ chính sách thuế, thường xuyên tham gia các chương trình tập huấn, đối thoại, phổ biến kiến thức, cập nhật chính sách thuế; xây dựng đội ngũ kế toán có đủ tâm và tầm. Ngoài ra, nên chọn lựa những dịch vụ đại lý thuế, tư vấn thuế có uy tín để soát xét hồ sơ, kiểm soát thường xuyên theo đúng quy trình, nhằm phòng chống, ngăn chặn các rủi ro thuế có thể xảy ra.


Nguồn: TCT Online