Chương trình hành động chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) là một diễn đàn quốc tế đang thu hút sự tham gia của 135 thành viên, trong đó Việt Nam là thành viên thứ 100 vào năm 2017. Với vị thế của một nước đang phát triển, Việt Nam tham gia diễn đàn BEPS nhằm cập nhật các nguyên tắc mới về thuế quốc tế để ngăn chặn các hành vi lạm dụng, trốn tránh thuế; đồng thời, đưa hệ thống chính sách, quản lý thuế của Việt Nam tiếp cận các tiêu chuẩn, thông lệ tốt của quốc tế. Để hiểu hơn về quá trình tham gia BEPS và những kết quả đạt được trong năm 2019, Tạp chí Thuế đã có cuộc trao đổi với Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh.
Trong nỗ lực triển khai các chương trình hành động BEPS một cách nhất quán, hiệu quả, Tổng cục Thuế đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Đặc biệt, trong năm 2019, đoàn đàm phán Việt Nam gồm lãnh đạo Tổng cục Thuế và đại diện các bộ, ngành đã tham dự phiên họp lần thứ 52 của Diễn đàn các thông lệ thuế có hại của OECD (FHTP) tại Paris (Pháp) và bảo vệ thành công các cơ chế ưu đãi thuế của Việt Nam. Xin Phó Tổng cục trưởng cho biết ý nghĩa của sự kiện này?
Là thành viên của diễn đàn BEPS, Việt Nam phải cam kết thực hiện 15 hành động BEPS, trong đó ít nhất phải thực hiện 4 tiêu chuẩn tối thiểu mà tất cả các nước thành viên phải cam kết. Trong năm 2019, Tổng cục Thuế đã phối hợp với OECD (Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế) tiến hành rà soát chính sách pháp luật thuế, tập trung vào thực hiện 4 tiêu chuẩn tối thiểu của diễn đàn BEPS. Đối với tiêu chuẩn hành động BEPS 5 (thực hiện rà soát hàng năm về các cơ chế ưu đãi thuế của các nước thành viên để xác định các cơ chế thuế có thể bị lạm dụng), năm 2019 diễn đàn FHTP tiếp tục rà soát 3 cơ chế ưu đãi thuế của Việt Nam, bao gồm khu kinh tế, địa bàn khó khăn và thu nhập từ sở hữu trí tuệ. Tại phiên họp lần thứ 52 của diễn đàn FHTP, đoàn đàm phán của Việt Nam đã bảo vệ thành công các cơ chế ưu đãi thuế của Việt Nam. Theo đó, các cơ chế ưu đãi thuế của Việt Nam được xác định nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của FHTP, gồm ưu đãi thuế dành cho khu kinh tế và địa bàn kinh tế-xã hội có điều kiện khó khăn; ưu đãi thuế đối với chuyển giao công nghệ vào địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn.
Đây là hướng kết luận thuận lợi cho Việt Nam, với ý nghĩa các cơ chế này chỉ cho phép ưu đãi thuế đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh thực chất, không tạo cơ hội cho các DN lợi dụng các hoạt động dễ di dời giữa các địa điểm để gây xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận. Theo đó, Việt Nam sẽ không cần sửa đổi quy định, không phải thực hiện tiếp việc cung cấp số liệu thống kê liên quan để FHTP giám sát.
Ngoài ra, đối với tiêu chuẩn hành động BEPS 14, Tổng cục Thuế đã ban hành đề án “Giải quyết tranh chấp, khiếu nại và các vấn đề liên quan trong quá trình thực hiện hiệp định thuế với nhà chức trách có thẩm quyền của nước ngoài” (Đề án MAP), nhằm thực hiện đúng các quy định tại các hiệp định tránh đánh thuế hai lần mà Việt Nam đã ký kết. Hiện Tổng cục Thuế đang xây dựng dự thảo quy trình MAP, dự kiến ban hành trong quý I/2020.
Đối với tiêu chuẩn hành động BEPS 13, Tổng cục Thuế đang phối hợp với OECD và WB (Ngân hàng Thế giới) rà soát, sửa đổi nội dung của Nghị định 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết, sửa đổi phù hợp với tiêu chuẩn hành động BEPS 13 và hướng dẫn của OECD.
Với các tiêu chuẩn BEPS khác, Việt Nam luôn theo sát các kết quả rà soát và đề xuất, cập nhật về chính sách của OECD, kể cả khuyến nghị của các chuyên gia quốc tế để đảm bảo quy định pháp lý về thuế nhất quán, hiệu quả, hiệu lực trong quá trình thực hiện.
Trong 15 hành động của diễn đàn BEPS, nội dung thứ 15 là tiến hành ký kết hiệp định đa phương thực hiện các biện pháp BEPS. Phó Tổng cục trưởng có thể nói rõ hơn về tiến trình chuẩn bị và kế hoạch tham gia ký kết hiệp định thuế đa phương của Việt Nam?
Đối với Việt Nam, việc tham gia ký kết hiệp định đa phương là biện pháp nhanh chóng, nhất quán sửa đổi toàn bộ các hiệp định thuế hiện hành mà không cần đàm phán song phương lại từng hiệp định đã ký kết (tính đến tháng 11/2018, Việt Nam đã ký kết 80 hiệp định thuế song phương). Việc tham gia hiệp định thuế đa phương thể hiện Việt Nam sẵn sàng thực hiện các cam kết quốc tế, các tiêu chuẩn tối thiểu về ban hành quy định chống lạm dụng hiệp định thuế và nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp hiệp định. Đồng thời, thể hiện thiện chí và trách nhiệm của Việt Nam trong việc giải quyết tranh chấp với cơ quan thuế các nước, tạo môi trường kinh doanh minh bạch và ổn định cho người nộp thuế, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên các diễn đàn thuế và đầu tư, thương mại quốc tế.
Với ý nghĩa này, Tổng cục Thuế đã tổ chức các hội thảo về hiệp định đa phương với sự tham gia của các bộ, ngành liên quan và chuyên gia OECD để trao đổi về các phương án áp dụng và bảo lưu. Trên cơ sở đó, Tổng cục Thuế sẽ trình Bộ Tài chính hồ sơ để trình Chính phủ về việc ký hiệp định đa phương. Sau khi được Chính phủ phê duyệt, Tổng cục Thuế sẽ cùng OECD tiếp tục rà soát và thực hiện các thủ tục theo quy định để triển khai ký kết hiệp định đa phương theo đúng lộ trình, thời gian dự kiến vào đầu năm 2020.
Ngoài việc tham gia diễn đàn BEPS, Việt Nam cũng quan tâm và mong muốn trở thành thành viên của Diễn đàn toàn cầu về minh bạch và trao đổi thông tin về thuế, tiến tới ký kết Hiệp định đa phương về hỗ trợ hành chính thuế (MAC). Vậy Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã có sự chuẩn bị thế nào để Việt Nam trở thành thành viên của diễn đàn?
Việc gia nhập Diễn đàn toàn cầu về minh bạch và trao đổi thông tin về thuế đã được Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì triển khai thực hiện. Việc này thể hiện Việt Nam nghiêm túc thực hiện các tiêu chuẩn tối thiểu BEPS, trước mắt là chuẩn bị điều kiện để thực hiện tiêu chuẩn áp dụng báo cáo lợi nhuận liên quốc gia đối với các công ty đa quốc gia (Hành động BEPS 13). Để thực hiện các cam kết của Việt Nam, ngày 26/12, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thay mặt Chính phủ Việt Nam đã ký thư gửi Chủ tịch Diễn đàn toàn cầu về minh bạch và trao đổi thông tin về thuế, thông báo Việt Nam tham gia vào Diễn đàn toàn cầu và cam kết tuân thủ nghĩa vụ thành viên để tạo cơ sở cho việc Việt Nam tiến tới tham gia ký kết Hiệp định đa phương về hỗ trợ hành chính thuế.
Sau khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên, ban thư ký của diễn đàn sẽ đến Việt Nam để hỗ trợ chuẩn bị ký MAC. Đồng thời, đánh giá bảo mật dữ liệu, xây dựng lộ trình và kế hoạch hành động của Việt Nam theo thời hạn nhất định.
Về phía Bộ Tài chính, sau khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của diễn đàn toàn cầu, Bộ Tài chính sẽ chủ trì phối hợp với các bộ, ngành xây dựng lộ trình và kế hoạch hành động mô tả các hành động ngắn hạn và trung hạn chi tiết cần thực hiện, bao gồm các nhiệm vụ cụ thể của các bộ, ngành liên quan, kế hoạch xây dựng cơ sở dữ liệu để đáp ứng và triển khai có hiệu quả việc trao đổi thông tin.
Trở thành thành viên của diễn đàn toàn cầu là cơ sở để các nước tiến tới ký hiệp định MAC. Cùng với đó, sau quá trình rà soát, nước đó phải được tất cả các bên tham gia hiệp định chấp thuận và đồng ý tham gia MAC trên cơ sở đánh giá nước này đã đáp ứng các yêu cầu nhất định về bảo mật thông tin của người nộp thuế (theo đánh giá của OECD). Ngoài các thủ tục trên, về phía Việt Nam, để ký kết MAC, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) phải tuân thủ các quy định của Luật Điều ước quốc tế số 108/2016/QH13. Toàn bộ quá trình đàm phán và ký kết MAC thường mất tối thiểu từ 6-12 tháng. Sau khi hoàn thành tất cả các thủ tục liên quan và được cơ quan điều phối chấp thuận, Việt Nam sẽ tham gia ký MAC; đồng thời, có nghĩa vụ hoàn thành thủ tục phê duyệt hiệu lực của MAC theo quy định của nội luật
Xin cảm ơn Phó Tổng cục trưởng!
Nguồn: Tổng cục Thuế
Tham gia các diễn đàn thuế quốc tế Việt Nam hướng đến môi trường kinh doanh minh bạch, ổn định