Liên quan đến dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết (NĐ 20), Luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc Công ty Luật Inteco đã có cuộc trao đổi về một số nội dung đang được dư luận quan tâm.

Thưa ông, sau 3 năm thực hiện, trên góc độ luật pháp, NĐ 20 đã có
đóng góp như thế nào trong hoạt động quản lý đối với DN có giao dịch
liên kết, cũng như đưa Việt Nam tiến gần hơn đến các chuẩn mực quốc tế
về gia tăng tính minh bạch và nỗ lực chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển
lợi nhuận?
Có thể nói, kể từ khi ra đời, NĐ 20 đã có những đóng góp rõ ràng về mặt
pháp lý. Thứ nhất, NĐ 20 đã cung cấp cơ sở pháp lý vững chắc và công cụ
mạnh mẽ hơn cho hoạt động kiểm tra do cơ quan thuế thực hiện tại các DN
có giao dịch liên kết. Đây là lần đầu tiên có một văn bản quy phạm pháp
luật cấp nghị định về chống chuyển giá được ban hành tại Việt Nam,
không chỉ cung cấp các quy định có tính hướng dẫn nghiệp vụ cho cơ quan
thuế, mà còn gửi tới các DN liên kết, cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài
tại Việt Nam một thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm của Chính phủ trong
việc chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận. Thứ hai, trước và sau
thời điểm ban hành NĐ 20, một loạt DN có giao dịch liên kết đang từ báo
cáo lỗ lớn, đã chuyển sang có lãi và liên tục có lãi cho đến nay. Điều
đó chứng tỏ hoạt động chuyển giá tại các DN có giao dịch liên kết đã
từng bước được đưa vào khuôn khổ quản lý. Với việc các DN có mô hình
công ty mẹ - con, liên kết báo lãi, NSNN có thêm nguồn thu lên tới hàng
nghìn tỷ đồng mỗi năm. Thứ ba, việc ban hành NĐ 20 giúp Việt Nam ngày
càng tiệm cận tới các chuẩn mực quốc tế trong hoạt động quản lý thuế,
đặc biệt là các hoạt động chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận.
Đây cũng là cơ sở thuyết phục để Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế
(OECD) kết nạp Việt Nam là thành viên thứ 100 tham gia Diễn đàn hợp tác
thực hiện chương trình hành động chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi
nhuận (BEPS), nhằm cụ thể hoá và triển khai các hành động và khuyến nghị
của OECD trong việc chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận.
Để phù hợp với các diễn biến mới của thế giới và khu vực, bắt kịp
xu hướng quản lý thuế quốc tế đối với các khoản nợ, vay nợ giữa các tập
đoàn kinh tế, công ty mẹ-con, DN liên kết, Bộ Tài chính đang sửa đổi NĐ
20, trong đó đề xuất sửa đổi, bổ sung Khoản 3, Điều 8 theo hướng tăng
trần khống chế chi phí lãi vay lên 30% thay vì 20% như hiện nay. Theo
ông, mức đề xuất này có phù hợp với thực tế của Việt Nam?
Theo khuyến nghị tại BEPS, mức khống chế lãi vay có thể được tính theo
tỷ lệ cố định, trong đó chi phí lãi vay thuần được trừ dao động trong
khoảng 10%-30% của EBITDA (lợi nhuận của công ty trước lãi vay và khấu
hao); hoặc tính theo tỷ lệ tập đoàn. Việt Nam hiện là quốc gia đang phát
triển và là thị trường màu mỡ cho nhiều tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt
là các tập đoàn sản xuất và tiêu thụ hàng tiêu dùng. Nhiều DN nước ngoài
mong muốn được đầu tư lâu dài tại Việt Nam, nên họ cũng cần một môi
trường kinh doanh cạnh tranh minh bạch, công bằng. Trong khi thành phần
kinh tế ở Việt Nam lại chủ yếu là các DN vừa và nhỏ, nên khả năng tìm
kiếm nguồn vốn quốc tế thông qua phát hành trái phiếu, vay tín dụng gặp
nhiều khó khăn. Chính vì lẽ đó, làm thế nào để có được một chính sách
vừa cân bằng được quyền và lợi ích của các công ty có quy mô vốn đầu tư
lớn sở hữu hệ thống công ty thành viên, công ty liên kết phức tạp với
các DN vừa và nhỏ trong các hoạt động huy động vốn, vay nội bộ, sở hữu
chéo, góp vốn dưới hình thức lãi vay để thu lãi trong khi vẫn đảm bảo sự
cạnh tranh lành mạnh, công bằng và chống thất thu ngân sách là một yêu
cầu được đặt lên vai ngành thuế. Chưa kể, ở thời điểm hiện, tại Việt Nam
cũng đã có một số tập đoàn tư nhân bước đầu thành công trong việc vươn
ra thị trường quốc tế, thu hút những nguồn vốn khủng từ nước ngoài để
tiếp sức cho các công ty con ở trong nước, tạo đà phát triển cho cả nền
kinh tế. Do vậy, việc nâng giới hạn tỷ lệ lãi vay trên tổng chi phí tính
thuế từ 20% lên 30% sẽ tạo cơ hội và điều kiện cho các DN nội địa tăng
khả năng thu hút vốn nước ngoài vào thị trường trong nước.

Cùng với việc sửa đổi, bổ sung NĐ 20, để công tác quản lý thuế đạt
hiệu quả cao hơn nữa, nhất là trong công tác quản lý các DN có giao dịch
liên kết, theo ông ngành thuế cần chú trọng thêm vấn đề gì?
NĐ 20 bên cạnh các kết quả nêu trên, thì còn cần có sự sửa đổi, bổ sung
để tháo gỡ khó khăn cho DN trong việc huy động vốn. Việc ban hành NĐ
sửa đổi, bổ sung cần bao quát cả về quy định pháp luật và nghiệp vụ để
thống nhất trong quá trình triển khai, đảm bảo đơn giản thuận lợi cho
DN. Bên cạnh đó, cơ quan thuế cũng cần tăng cường và duy trì hoạt động
kiểm tra, xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế; củng cố cơ sở dữ
liệu trong kê khai, xác định giá liên kết; đẩy mạnh trao đổi thông tin
hợp tác quốc tế trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu và áp dụng các biện
pháp chống xói mòn cơ sở thuế, chuyển lợi nhuận.
Đối với các DN liên kết trong nước, ngành thuế cần thường xuyên tổ chức
diễn đàn để ghi nhận ý kiến, đánh giá và phân tích những kiến nghị để
có giải pháp quản lý thuế hợp lý hơn. Đồng thời, việc đánh giá tình hình
sẽ đảm bảo tính khách quan và công bằng giữa mọi loại hình DN, kể cả DN
có quan hệ liên kết và DN không liên kết.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: TTC online
Nguồn: TTC online
Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về quản lý thuế đối với DN giao dịch liên kết