• 8:00 - 17:00 từ Thứ 2 đến Thứ 6 & 8:00 - 12:00 sáng Thứ 7
  • 1900-6154
0

Language



Không thanh, kiểm tra DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Thanh, kiểm tra (TTKT) là một chức năng quan trọng trong công tác quản lý thuế khi không chỉ góp phần tăng thu NSNN mà còn là biện pháp ngăn chặn, răn đe đối với các hành vi vi phạm, mang lại sự công bằng cho các DN trong thực hiện nghĩa vụ thuế. Trước tác động của dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị đối với công tác thanh tra của các bộ, ngành. Tạp chí Thuế có cuộc trao đổi với ông Vũ Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Thanh tra, kiểm tra thuế, Tổng cục Thuế để tìm hiểu về những thay đổi trong kế hoạch TTKT trong năm 2020.


Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo của Tổng cục Thuế về hoạt động TTKT trong bối cảnh dịch bệnh, Vụ TTKT thuế đã triển khai nhiệm vụ như thế nào?

Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn số 1046/TCT-TTKT về việc triển khai và tăng cường công tác TTKT. Theo đó, trên cơ sở danh sách DN thuộc kế hoạch TTKT năm 2020 đã được phê duyệt, Vụ TTKT thuế đã chỉ đạo các cục thuế tiến hành rà soát, tập trung TTKT trước đối với DN có rủi ro cao về thuế. Riêng các DN chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, cụ thể như trong các lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, du lịch, hàng không... thì dù có trong kế hoạch cũng chưa thực hiện TTKT. Cạnh đó, yêu cầu cơ quan thuế các cấp tập trung xem xét phân tích rủi ro chuyên sâu, báo cáo cấp trên để thực hiện điều chỉnh kế hoạch đối với các DN có yếu tố rủi ro thấp theo quy định. Quá trình phân tích chuyên sâu được thực hiện thông qua các báo cáo của DN và thông tin cơ quan thuế thu thập để hạn chế tiếp xúc và giảm thời gian làm việc tại DN.

Ngoài việc không TTKT đối với các trường hợp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, để DN yên tâm sản xuất kinh doanh, Vụ TTKT thuế cũng yêu cầu các cục thuế thực hiện nghiêm Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể là không TTKT ngoài kế hoạch, trừ trường hợp đặc biệt được giao; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc công tác TTKT, nhằm kịp thời phát hiện, xử lý trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian TTKT. Đối với các trường hợp chồng chéo trong kế hoạch thanh tra, thì thực hiện theo đúng nguyên tắc và thẩm quyền được quy định tại Điều 15, Nghị định số 82/2012/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành tài chính.

Có thể thấy, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc là xu thế và yêu cầu tất yếu của công tác quản lý hành chính, nhất là trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội vì dịch bệnh. Với tiêu chuẩn này, công tác TTKT thuế đã đáp ứng được đến đâu, thưa ông?

Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Thuế về đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào tất cả quy trình, công việc của quản lý thuế nói chung và công tác TTKT thuế nói riêng, những năm qua, hệ thống TTKT trong toàn ngành thuế đã tập trung nghiên cứu, sửa đổi hoàn thiện chính sách và quy trình quản lý liên quan trên nền tảng công nghệ hóa, nhất là xây dựng hệ thống dữ liệu chuyên ngành phục vụ TTKT thuế. Nhờ đó đến nay, công tác TTKT có công cụ hỗ trợ hiệu quả là phương pháp phân tích rủi ro dựa trên các ứng dụng quản lý thuế như TMS, BCTC, TPH, TTR… để lựa chọn đúng và trúng đối tượng cần TTKT. Cũng nhờ đó, chúng tôi giảm thiểu yêu cầu cung cấp số liệu từ DN, nếu có thì DN cũng gửi sổ sách, báo cáo qua hòm thư điện tử để các công chức chủ động kiểm tra trên máy tính cá nhân, hạn chế thấp nhất những phiền phức có thể gây ra khi triển khai công việc.

Mặt khác, quy trình thực hiện công tác TTKT đã bắt buộc cơ quan thuế phải thực hiện nghiêm túc việc nhập dữ liệu kết quả TTKT hàng tháng vào ứng dụng hỗ trợ TTKT TTR theo đúng thời gian quy định. Cục Thuế các địa phương phải phân công việc nhập dữ liệu vào phần mềm ứng dụng TTR đến từng phòng, đoàn, cán bộ TTKT và phải có đầu mối theo dõi, đôn đốc, kiểm tra để đảm bảo việc nhập dữ liệu chính xác, kịp thời, phục vụ công tác báo cáo thường xuyên, định kỳ, đột xuất. Ngoài ra, cơ quan thuế còn có nhiệm vụ tập hợp các thông tin liên quan đến DN trên các trang mạng và các thông tin ngoài ngành khác để đối chiếu phân tích. Đây chính là cơ sở để hệ thống dữ liệu ngày càng đầy đủ, hoàn thiện, phục vụ đắc lực, hiệu quả cho công tác TTKT.

Mặc dù vậy, do đặc thù công việc TTKT luôn phải đấu tranh quyền lợi giữa công (là NSNN) và tư (quyền lợi DN) nên để thực hiện tốt nhiệm vụ, cùng với việc thường xuyên quán triệt các cán bộ, công chức làm công tác TTKT thuế tuân thủ nghiêm ngặt quy trình nghiệp vụ cũng như quy trình giám sát TTKT, thực hiện việc ghi nhật ký điện tử đầy đủ theo đúng quy định, ngành thuế còn tăng cường nhiều biện pháp giáo dục tư tưởng, đạo đức công vụ, trao đổi kinh nghiệm nghiệp vụ, nhằm nâng cao năng lực và kỹ năng cho công chức trong công tác, đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. 

Cụ thể trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, ngành thuế sẽ thực hiện công tác TTKT theo quy trình như thế nào để vừa đảm bảo không gây phiền hà cho DN nhưng cũng không để DN lợi dụng chính sách để trốn thuế, làm thất thu NSNN?

Công tác TTKT thuế là một trong những chức năng quan trọng trong công tác quản lý thuế, không chỉ góp phần tăng thu NSNN mà còn mang lại sự công bằng giữa các DN, ngăn chặn, răn đe đối với các trường hợp có hành vi vi phạm về thuế. Hiện nay, việc lựa chọn kế hoạch TTKT thuế được thực hiện theo nguyên tắc rủi ro, nghĩa là chỉ những DN có điểm rủi ro cao được lựa chọn qua ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ lập kế hoạch TTKT và cơ sở dữ liệu ngành thuế quản lý mới đưa vào kế hoạch DN. Do đó đã tạo thuận lợi tối đa cho DN, giúp cho công tác quản lý thuế ngày càng hiệu quả.

Theo đó, đối với các DN thuộc kế hoạch TTKT năm 2020 đã được phê duyệt, các DN qua phân tích có rủi ro cao thì vẫn thực hiện TTKT. Đối với các DN có rủi ro thấp cũng như nhóm chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh, sẽ phân tích rủi ro và xem xét để điều chỉnh theo như tinh thần chỉ đạo tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Xin cảm ơn ông!