• 8:00 - 17:00 từ Thứ 2 đến Thứ 6 & 8:00 - 12:00 sáng Thứ 7
  • 1900-6154
0

Language



Đề xuất về thuế trong gói hỗ trợ dịch Covid-19 lần hai

Dịch bệnh Covid-19 hoành hành đã gần 1 năm với tác động tiêu cực khiến nền kinh tế và cộng đồng DN bị suy yếu nghiêm trọng. Mặc dù Chính phủ đã tung ra nhiều biện pháp kích thích trong gói hỗ trợ đầu tiên, nhưng công cuộc phục hồi phát triển kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn.

 
 
Cụ thể, trong gói hỗ trợ đầu tiên, Chính phủ đã sử dụng đồng bộ nhiều biện pháp bao gồm hỗ trợ vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp; vay vốn ưu đãi trả lương người lao động thiệt hại vì Covid; giảm và giãn thời hạn nộp BHXH; gia tăng giải ngân đầu tư công để kích thích dòng vốn luân chuyển trong xã hội. Đối với các chính sách thuế, Chính phủ cho phép giãn nộp thuế và tiền thuê đất 5 tháng. Đồng thời, giảm 30% thuế TNDN và giảm thuế TTĐB, thuế TNCN phải nộp trong năm 2020.
 
Mặc dù các biện pháp hỗ trợ đã bao phủ hầu hết các lĩnh vực và đã có tác động tích cực, nhưng thực tế DN vẫn khó tiếp cận vì vướng điều kiện. Hệ quả là, số lượng DN ngừng hoạt động, giải thể đang tăng lên. Số người bị mất việc làm ngày càng lớn, tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế xã hội đất nước. Do đó, việc nghiên cứu để đưa ra gói hỗ trợ thứ hai là rất cần thiết.
 
Đánh giá về hiệu quả các giải pháp về thuế trong gói hỗ trợ đầu tiên thì thấy, việc hỗ trợ thuế TNDN, thuế TNCN và tiền thuê đất thực ra tác động không nhiều đến cộng đồng DN. Bởi đối với DN, tiền thuê đất chủ yếu chỉ liên quan tới DN bất động sản; thuế TNCN chỉ tác động đến người lao động, còn thuế TNDN chỉ phát sinh đối với DN có lợi nhuận. Trong khi hầu hết các DN đang ngụp lặn trong khó khăn, thì việc giãn, giảm thuế TNDN hầu như không có tác động đáng kể nào, thậm chí còn vô tình gia tăng nguồn lực cho các ngành có lợi thế trong dịch bệnh Covid-19.
 
Chính vì vậy, nếu có gói hỗ trợ lần 2 cần xem xét đến các tác động thực chất hơn. Tức là chính sách hỗ trợ thuế phải xét đến phạm vi và đối tượng tác động. Để làm được yêu cầu này, thiết nghĩ nên hỗ trợ bằng chính sách thuế GTGT. Nguyên do là vì thuế GTGT là thuế gián thu đánh trên hàng hóa tiêu dùng trong xã hội. Đối tượng của thuế gián thu là tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ do đó phạm vi tác động rất lớn. Khi giảm thuế GTGT, thì hầu hết các đối tượng xã hội đều có lợi, từ DN bán được hàng do giảm giá bán, còn người tiêu dùng được lợi do mua hàng với giá thanh toán thấp hơn trước.
 
Bên cạnh đó, khác với thuế TNDN phải nộp khi có phát sinh lợi nhuận, thuế GTGT phát sinh ngay khi có tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ. Điều đó có nghĩa, thuế GTGT là nghĩa vụ bắt buộc với tất cả các đơn vị cung cấp, bán hàng. Khi giảm thuế GTGT thì tác động không chỉ với DN có lãi mà tới cả các DN bị lỗ. Điều đó đảm bảo nguyên tắc công bằng của chính sách hỗ trợ là tới tất cả mọi đối tượng trong xã hội.
 
Chưa kể xét về nghiệp vụ, thuế GTGT chỉ phát sinh khi DN có phát hành hóa đơn hợp pháp. Đồng nghĩa, hỗ trợ thuế GTGT cũng là đề cao tính tự giác, trung thực của người nộp thuế. Hơn thế, việc hỗ trợ thuế GTGT sẽ hoàn toàn thực chất khi chỉ áp dụng với DN thực hiện đúng và đầy đủ  yêu cầu về hóa đơn và kê khai thuế theo qui định. Điều này làm giảm nguy cơ ẩn lậu thuế và lạm dụng chính sách hỗ trợ của các DN làm ăn không chân chính.
 
Từ các phân tích trên, Chính phủ nên xem xét đưa ra gói hỗ trợ thứ hai với nội dung giảm thuế GTGT phải nộp trong kỳ của các DN. Tuy nhiên, việc áp dụng giảm thuế GTGT một cách đại trà sẽ tiềm ẩn khả năng gây thất thoát ngân sách thông qua các hình thức nhập lậu hay gian dối trong kê khai thuế… Do đó, vai trò của công tác kiểm tra là rất lớn, nhằm đảm bảo chính sách thuế thực hiện được minh bạch, công bằng, tác động trúng đối tượng khó khăn, cần được hỗ trợ.

Nguồn: Tạp chí Thuế