Tổng cục Hải quan nhận được công văn của Công ty TNHH Thép JFE SHOJI Hải Phòng vướng mắc về việc khai báo phí bảo hiểm trên tờ khai nhập khẩu. Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:
- Căn cứ Điều 5 Thông tư số 39/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Thông tư số 60/2019/TT-BTC về trị giá hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu thì: Trị giá hải quan của hàng hóa nhập khẩu là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên được xác định bằng cách áp dụng tuần tự các phương pháp từ điểm a đến điểm e khoản 2 Điều này và dừng lại ở phương pháp xác định được trị giá hải quan.
- Căn cứ quy định tại Điều 6 Thông tư số 39/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Thông tư số 60/2019/TT-BTC quy định: Trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu là giá thực tế mà người mua đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán cho người bán để mua và nhập khẩu hàng hóa sau khi đã được điều chỉnh theo quy định tại Điều 13, Điều 14 và Điều 15 Thông tư này.
- Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư số 39/2015/TT-BTC thì: chi phí bảo hiểm hàng hóa nhập khẩu đến cửa khẩu nhập đầu tiên là khoản phải cộng vào trị giá hàng hóa nhập khẩu nếu đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này.
- Căn cứ quy định tại Điều 5 Thông tư số 39/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Thông tư số 60/2019/TT-BTC thì: Việc xác định trị giá hải quan phải căn cứ vào chứng từ, tài liệu, số liệu khách quan, định lượng được.
- Căn cứ quy định tại khoản 5 Điều 6 Thông tư số 39/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Thông tư số 60/2019/TT-BTC quy định về chứng từ, tài liệu để xác định trị giá hải quan theo phương pháp trị giá giao dịch gồm: “a) Hợp đồng mua bán hàng hóa, hóa đơn thương mại; ...d) Chứng từ, tài liệu liên quan đến các khoản điều chỉnh cộng (nếu có khoản điều chỉnh cộng);...”.
Đối chiếu với quy định nêu trên thì trường hợp hàng hóa nhập khẩu được bảo hiểm bằng hợp đồng bảo hiểm nguyên tắc (tại hợp đồng bảo hiểm có ghi phí bảo hiểm được tính theo tỷ lệ % trên tổng trị giá hàng hóa) và Công ty không thể có hóa đơn bảo hiểm tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan (do tiền phí bảo hiểm sẽ được thanh toán vào tháng tiếp theo) thì Công ty có thể xuất trình hợp đồng bảo hiểm làm căn cứ khai báo phí bảo hiểm trên tờ khai hải quan với điều kiện số tiền phí bảo hiểm có số liệu khách quan, định lượng được và phù hợp với hóa đơn bảo hiểm khi được Công ty bảo hiểm phát hành.
Đề nghị Công ty TNHH Thép JFE SHOJI Hải Phòng căn cứ các quy định nêu trên và hồ sơ thực tế hàng hóa nhập khẩu để thực hiện khai báo trị giá hải quan theo đúng quy định.
Tải về tại đây:
Công văn 487/TCHQ-TXNK ngày 21/01/2020
Khai báo phí bảo hiểm hàng hóa nhập khẩu