Tổng cục Hải quan cho biết, tính đến ngày 20/9/2021, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 235 thủ tục hành chính của 13 Bộ, ngành kết nối, với khoảng 4,1 triệu bộ hồ sơ của gần 49,5 nghìn doanh nghiệp. Sau khoảng 6 năm đi vào vận hành chính thức (từ 2014-2021), đến tháng 9/2021, số Bộ, ngành kết nối Cơ chế một cửa quốc gia đã tăng gấp 4 lần; Số lượng thủ tục hành chính tăng 39 lần; Số lượng doanh nghiệp tham gia tăng khoảng 23 lần; Số lượng hồ sơ được khai báo tăng khoảng 193 lần. 

Sau cuộc họp lần thứ bảy của Ủy ban 1899 (tháng 9/2020), các Bộ đã Triển khai chính thức 35 thủ tục (8 thủ tục của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 18 thủ tục của Bộ Y tế, 01 thủ tục của Ngân hàng Nhà nước, 6 thủ tục của Bộ Công Thương, 2 thủ tục của Bộ Tài nguyên và Môi trường); Hoàn thành kiểm tra kết nối, đang chuẩn bị triển khai chính thức 6 thủ tục mới của Bộ Quốc phòng; Nâng cấp/cập nhật 10 thủ tục; Tổ chức 11 đợt tập huấn.

Việt Nam đã kết nối chính thức Cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước thành viên ASEAN. Đến ngày 20/9/2021, tổng số C/O Việt Nam nhận từ các nước ASEAN là: 413.887 C/O, tổng số C/O Việt Nam gửi sang các nước là: 1.079.798 C/O. 

Sau hơn 2 năm kết nối chính thức (từ 01/2018-09/2021), đến tháng 9/2021, số lượng chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử được trao đổi qua Cơ chế một cửa ASEAN tăng từ 4.445 C/O trong năm 2018 đến 1.493.685 C/O đến tháng 9/2021 (tăng 336 lần).

Việt Nam đã hoàn thành việc phát triển các chức năng phục vụ cho việc kiểm thử trao đổi thông tin tờ khai Hải quan ASEAN và đang phối hợp với các nước để kết nối qua môi trường thử nghiệm. Từ đầu tháng 8/2021, Việt Nam đã bắt đầu thử nghiệm trao đổi thông tin tờ khai Hải quan ASEAN với Indonesia, Brunei, Lào và các nước ASEAN sẵn sàng. Tuy nhiên, trong quá trình trao đổi thử nghiệm đã xảy ra một số lỗi và được Ban Thư ký ASEAN ghi nhận, thông báo qua thư điện tử với các nước thành viên. Do đây là vấn đề kỹ thuật, một mặt Việt Nam sẽ chủ động rà soát, khắc phục trong hệ thống của Việt Nam. Mặt khác cần sự phối hợp của các bên liên quan để kiểm tra, xử lý các yếu tố xuất phát từ bên ngoài. Trong thời gian tới, Cục CNTT & Thống kê Hải quan sẽ phối hợp với Ban thư ký ASEAN và các nước ASEAN để triển khai kết nối trao đổi tờ khai Hải quan ASEAN theo đúng kế hoạch, lộ trình chung của ASEAN. Theo kế hoạch của ASEAN, dự kiến Việt Nam sẽ hoàn thành giai đoạn kết nối thử nghiệm trong tháng 10/2021 và kết nối chính thức từ tháng 11/2021. Tiếp sau đó sẽ chuẩn bị các yêu cầu liên quan để kết nối thử nghiệm trao đổi chứng nhận kiểm dịch thực vật trong năm 2022.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã hoàn thành việc kiểm thử kỹ thuật kết nối và trao đổi thông điệp thử nghiệm tờ khai hải quan xuất khẩu với Liên minh kinh tế Á - Âu. Hiện đã hoàn thành trao đổi thông tin thử nghiệm qua kênh truyền Internet mở cũng như hoàn thành thiết lập kênh kết nối an toàn. Đang trong quá trình chuẩn bị để trao đổi thử nghiệm qua kênh kết nối an toàn.

Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Công Thương tiến hành đàm phán để hoàn thiện các Nghị định thư, thống nhất yêu cầu kỹ thuật và xây dựng hệ thống để trao đổi chứng nhận xuất xứ với Liên minh kinh tế Á - Âu; đàm phán để trao đổi thông tin C/O điện tử với Hàn Quốc.

Triển khai “Thỏa thuận về việc tạo thuận lợi thông quan sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản thông qua việc sử dụng chứng nhận điện tử” giữa Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ các ngành cơ bản (New Zealand) thông qua Cơ chế một cửa quốc gia Việt Nam. Hiện tại, Nhóm công tác liên Bộ đã thống nhất mặt hàng, thông tin sẽ trao đổi với New Zealand và sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt để chuẩn bị cho phiên họp lần thứ 3 với Nhóm triển khai của New Zealand.

Xây dựng Nghị định của Chính phủ về việc kết nối và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan chính phủ với các bên liên quan thông qua Cơ chế một cửa quốc gia trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa.

Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất xây dựng Nghị định của Bộ Tài chính và giao Bộ Tài chính trình Chính phủ trong quý II/2022 (công văn 5083/VPCP-KSTT ngày 26/7/2021). Theo đó, Bộ Tài chính có văn bản số 620/TB-BTC ngày 15/9/2021 thông báo ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ về việc xây dựng Nghị định và giao Tổng cục Hải quan và các đơn vị liên quan nỗ lực phấn đấu hoàn thành, trình Chính phủ vào tháng 01 năm 2022. Tổng cục Hải quan đã báo cáo Bộ Tài chính để thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập; Xây dựng kế hoạch thực hiện và đang trong quá trình rà soát, xác lập danh mục thông tin cung cấp, yêu cầu được cung cấp qua Cổng thông tin một cửa quốc gia phục vụ soạn thảo Nghị định.

Bộ Tài chính đã xin ý kiến cũng như tổ chức làm việc với các Bộ, ngành để rà soát và tổng hợp kế hoạch kinh phí năm 2021 của 13 Bộ, ngành. Theo đó kinh phí do các Bộ, ngành đề xuất là 66,4 tỷ đồng. Sau khi thẩm định, Bộ Tài chính đã có văn bản số 7661/BTC-HCSN ngày 12/7/2021 báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ sung dự toán năm 2021 triển khai Cơ chế một cửa quốc gia cấp cho các Bộ, ngành là 25,301 tỷ đồng.

Bộ Tài chính đang tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện dự thảo Đề án khớp nối với tiến độ xây dựng Nghị định của Chính phủ về việc kết nối và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan chính phủ với các bên liên quan thông qua Cơ chế một cửa quốc gia trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa để đồng bộ về cơ sở pháp lý và công cụ thực hiện. Mục tiêu của Đề án là: Tái cấu trúc Cổng thông tin một cửa quốc gia đáp ứng yêu cầu trở thành điểm tiếp nhận và chia sẻ thông tin, dữ liệu, chứng từ điện tử cho tất cả các bên tham gia vào hoạt động thương mại xuyên biên giới, chuỗi cung ứng, logistics thông qua việc tập trung hóa dữ liệu và tập trung hóa việc xử lý dữ liệu.

Tổng cục Hải quan đã phối hợp với các Bộ, ngành có báo cáo kết quả công tác các tháng cuối năm 2020, các tháng đầu năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ các tháng cuối năm 2021 về triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành và tạo thuận lợi thương mại. Trên cơ sở báo cáo này, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh – Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo 1899 đã có ý kiến chỉ đạo các Bộ, ngành để đánh giá kết quả và giao nhiệm vụ triển khai trong thời gian tới (theo văn bản số 6007/VPCP-KTTH ngày 30/8/2021 của Văn phòng Chính phủ).


Nguồn:  eFinance - Tài chính điện tử